Hủy
Kinh Doanh

Indonesia cần 5 tỷ USD để giảm phát khí thải CO2

Thứ Năm | 03/07/2014 05:15

Mục tiêu của Indonesia là cắt giảm 26% phát thải khí nhà kính bằng việc sử dụng nguồn tài chính trong nước hoặc cắt giảm 41% với nguồn viện trợ quốc tế.
 

Theo Văn phòng Cắt giảm phát thải từ hoạt động phá rừng và suy thoái rừng (REDD+), được thành lập để bảo vệ rừng mưa nhiệt đới và vùng đất có than bùn, Indonesia cần khoảng 5 tỷ USD tiền hỗ trợ để đạt được mục tiêu cắt giảm khí thải.

Khoản cam kết 1 tỷ USD của Na Uy chỉ là sự khởi đầu cho những gì Indonesia cần. Hiện Indonesia xếp thứ 3 thế giới về mức độ phát thải do diện tích rừng ngày một thu hẹp, theo ông Heru Prasetyo, giám đốc REDD+.

Ông Prasetyo cho biết “Để đảm bảo chương trình REDD+ thành công, chúng tôi không thể tự giới hạn bằng việc chỉ nhận hỗ trợ từ chính phủ Na Uy. Chúng tôi cần mở cửa với mọi nhà đầu tư”.

Mục tiêu của Indonesia là cắt giảm 26% phát thải khí nhà kính bằng việc sử dụng nguồn tài chính trong nước hoặc cắt giảm 41% với nguồn viện trợ quốc tế. Nếu nước này không có bất kỳ hành động nào, lượng phát thải khí sẽ đạt 2,95 tỷ tấn vào năm 2020. Indonesia đã bắt đầu hàng chục dự án trình diễn về REDD, chương trình do Liên hợp quốc tài trợ để đo lường lợi ích về mặt khí hậu nhờ cắt giảm việc phá rừng.

Ông Prasetyo dự đoán ngày càng có nhiều hơn đầu tư nước ngoài sẽ hỗ trợ các dự án REDD nếu Indonesia có thể thực thi luật pháp tốt hơn. Theo Forest Trends’ Ecosystem Marketplace, tổ chức trụ sở tại Washington chuyên theo dõi thị trường carbon, năm ngoái, các nhà đầu tư đã mua khoảng 23 triệu tín chỉ REDD trên toàn thế giới, gấp hơn 2 lần con số năm 2012, khi giá giảm xuống 4,2 USD/tấn khí phát thải.

Rimba Raya, một dự án REDD tại miền trung Kalimantan được thiết lập để bảo vệ 64.977 ha rừng, đang xác định điều kiện giảm khí phát thải theo Tiêu chuẩn Carbon sửa đổi. Đến nay, dự án đã cấp 11 triệu tín chỉ.

Theo số liệu của văn phòng REDD, tình trạng suy thoái rừng và vùng đất nhiều than bùn chiếm 60% lượng phát khí thải của Indonesia, phần còn lại bắt nguồn từ năng lượng và giao thông, ngành công nghiệp và nông nghiệp. Việc quản lý đất đai tốt hơn có thể làm giảm 63% lượng khí phát thải xuống 1,89 tỷ tấn.

Ông Prasetyo cho biết, đến năm 2016 Indonesia cần phải tiến hành hệ thống đo lường khí hiệu ứng nhà kính nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất nguồn tài trợ từ Na Uy. Đến nay, Na Uy đã giải ngân 170 triệu USD cho Indonesia.

Văn phòng REDD hiện đang làm việc với 11 tỉnh thành để nhất trí về phương pháp đo lường khí phát thải. Indonesia ước tính phát khí thải năm 2000 là 1,7 tỷ tấn và năm 2005 là 2,12 tỷ tấn.

Nguồn Theo DVO/Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới