Hủy
Kinh Doanh

"Không thể đổ thiếu điện cho ngành thép để đòi tăng giá"

Thứ Hai | 08/07/2013 11:47

Theo Phó chủ tịch VSA, nói do thép mà nhiều nơi thiếu điện là không sâu sát, là đổ lỗi cho ngành thép trong khi đó là khuyết điểm của ngành điện.
 

Phó chủ tịch hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Tiến Nghi đã có một số trao đổi xung quanh câu chuyện ngành điện dự định tăng giá bán điện đối với các hộ sản xuất thép và ximăng.

Vừa qua, tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm, các doanh nghiệp ngành thép rất bức xúc trước việc bộ Công thương dự định tăng giá điện bán cho các doanh nghiệp thép trong dự thảo quy định biểu giá điện, hiệp hội đã có ý kiến chính thức về việc này chưa?

Đúng là các thành viên trong hiệp hội rất bức xúc trước đề xuất này và mới đây hiệp hội đã có văn bản chính thức kiến nghị lên bộ Công thương về vấn đề này.

Cụ thể kiến nghị là gì, thưa ông?
Trước hết chúng tôi bày tỏ sự đồng tình với việc tăng giá điện. Tuy nhiên, việc đó phải có một lộ trình cụ thể, từ từ và công bằng đối với tất cả các hộ tiêu thụ điện, chứ không nên phân biệt đối xử đối với bất cứ ngành nào. Và nhất là trong tình hình khó khăn của sản xuất kinh doanh hiện nay thì việc đó càng không nên. Trong lúc khó khăn thế này thì các doanh nghiệp càng cần giúp sức, chứ sao lại đẩy thêm khó khăn cho họ.

Trước đây, chúng ta nhập khẩu 70% phôi thép nên Chính phủ đã kêu gọi đầu tư nhà máy sản xuất phôi và người ta đã đầu tư, nên nếu giờ đây khi đã có rồi mà mình lại thay chính sách thì người ta nói anh không thống nhất, thiếu thì kêu gọi, khi họ làm rồi thì chính họ, cái anh đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại lại chết trước. Điều này sẽ khiến các nhà đầu tư mất lòng tin. Cũng phải nói thêm, thép và ximăng cùng nhiều ngành khác là sản phẩm của cơ chế bao cấp cũ đẻ ra, sao lại có sự phân biệt như thế được.

Nhưng bộ Công thương, ngành điện nói rằng việc phần lớn các doanh nghiệp ngành thép sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nhiên liệu dẫn đến nguy cơ thiếu điện ở nhiều nơi, và việc tăng giá điện bán cho thép, cũng như ximăng sẽ khiến doanh nghiệp tích cực thay đổi công nghệ để tiết kiệm điện?

Từ năm 2005 trở về trước thì đúng là công nghệ ngành thép lạc hậu. Nhưng từ đó đến nay, ngành thép đã có những thay đổi đáng kể, chúng ta đã có lò lớn nhất Đông Nam Á với công nghệ hiện đại. Những doanh nghiệp lớn như Vina Kyoei hay Thép Việt đã đầu tư các lò điện luyện thép hiện đại, ở mức công suất 120 tấn/mẻ, tiêu hao điện năng tương đương với mức của thế giới là khoảng 450 kWh/tấn. Rồi hàng loạt doanh nghiệp như thép miền Nam, thép Hoà Phát đều có công nghệ tiên tiến của các nước G7. Hay công ty thép Thái Nguyên có nhà máy cán thép 300.000 tấn với công nghệ của Ý…

Thật ra doanh nghiệp nào lạc hậu thì tự thân buộc họ thay đổi, không thì chết. Có những xưởng trước đây tiêu hao dầu 40kg thì giờ đây chỉ còn tiêu hao 25kg trên cùng một đơn vị sản phẩm, đó là những ví dụ minh hoạ cho việc thị trường dạy cho họ. Còn nói ngành thép khiến ngành điện nhiều nơi không đủ điện là do các anh ngành điện không sâu sát ngành, bởi vì các nhà máy làm thép từ lúc bắt đầu vào đầu tư xây dựng thì đều có sự thoả thuận của ngành điện cả, rồi địa phương cấp phép. Chứ biết trước thiếu điện thì sao họ (doanh nghiệp) dám làm.

Còn nếu có hiện tượng đó thì các anh cũng không thể đổ cho thép. Nói như thế nghĩa là các anh đẩy khuyết điểm này cho ngành thép, trong khi đó là tội của ngành điện vì anh đã không theo kịp quy hoạch, hoặc anh triển khai quy hoạch chậm, nói ví dụ như chuyện nhiều nhà máy điện do doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu bị chậm tiến độ.

Nếu tăng giá điện bán cho thép theo như đúng đề nghị trong dự thảo quy định biểu giá điện thì ngành thép sẽ khó khăn thế nào?
Nếu tăng giá điện bán cho thép thì mỗi tấn thép sẽ mất thêm 50.000 - 60.000 đồng tiền điện. Điều này khiến các doanh nghiệp thép khó càng thêm khó.

Hiện nay ngành thép đang hạn chế bán dưới giá thành. Nhưng nếu buộc phải tăng giá để bù đắp chi phí thì càng làm thép của chúng ta cạnh tranh rất thấp, khi đó thép ngoài nhảy vào, cạnh tranh thị phần. Như Trung Quốc năm nay ước tính họ sản xuất 750 triệu tấn, và sẽ xuất khẩu 150 - 200 triệu tấn, trong đó đưa vào thị trường ASEAN dự kiến chừng 55 triệu tấn, đấy là con số mà tất cả sản lượng thép xuất khẩu của các nước Đông Nam Á cộng lại cũng không bằng, nói thế để hiểu khó khăn của ngành thép còn lớn thế nào.

Nguồn Sài Gòn tiếp thị


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới