Hủy
Kinh Doanh

Ngân hàng qua thời… dư dả

Thứ Tư | 20/08/2014 17:43

Xu hướng lãi suất liên ngân hàng tăng, NHNN bơm ròng vốn hỗ trợ 2 tuần qua cho thấy, tình hình thanh khoản của các ngân hàng không còn quá dư thừa.
 

NHNN lại phải bơm vốn

Sau hai tuần hút ròng trên thị trường mở (OMO), trong tuần vừa qua NHNN phải quay trở lại bơm ra thị trường 527 tỉ đồng qua kênh OMO. Với khối lượng tiền đáo hạn trong tuần đạt 146 tỉ đồng, trong tuần qua NHNN chính thức bơm ròng ra thị trường 381 tỉ đồng sau 2 tuần hút ròng liên tiếp. Giới tài chính đánh giá, hoạt động bơm ròng của NHNN trong tuần này là khá bình thường nhằm cân bằng lượng tiền được hút vào trong 2 tuần trước đó với mục đích điều tiết lượng cung tiền trong ngắn hạn và giữ vững sự ổn định của thanh khoản.

Điều đáng nói là cũng trong tuần vừa qua, có tới 11.228 tỉ đồng được NHNN bơm ròng qua kênh tín phiếu với tổng lượng tín phiếu được phát hành mới trong tuần đạt 8.541 tỉ đồng, tăng 90% so với tuần trước trong lúc khối lượng tín phiếu đáo hạn đạt tới 19.769 tỉ đồng. Ngoài thực tế đây là tuần thứ 2 liên tiếp NHNN có trạng thái bơm ròng qua kênh tín phiếu, khối lượng tiền bơm ra cũng tăng đáng kể so với tuần trước phần nào cho thấy thanh khoản của hệ thống đang có nhiều thay đổi. Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, thậm chú điều này còn cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại tại thời điểm hiện tại có thể không còn ở trạng thái dư thừa như cách đây vài tuần.

Các diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có thể minh chứng cho nhận định trên đây. Ngay trong tuần vừa qua, mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng có mức tăng tương đối mạnh. Phân tích của các tổ chức đầu tư cho thấy, trong tuần vừa qua, lãi suất cho kỳ hạn qua đêm tăng từ 3,85%/năm lên 4%/năm trong khi kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần đều có mức tăng lần lượt từ 3,95%/năm lên 4,05%/năm và 4%/năm lên 4,05%/năm. Diễn biến tăng của lãi suất liên ngân hàng càng thu hút sự chú ý của giới đầu tư khi đây cũng là tuần thứ 2 liên tiếp lãi suất ngân hàng có xu hướng tăng. Quan trọng hơn, diễn biến tăng của lãi suất liên ngân hàng tiếp tục củng cố quan điểm của không ít các đơn vị kinh doanh về khả năng tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại hiện đã không còn ở trạng thái dư thừa.

Lỗi của ngân hàng nhỏ?

Ở một khía cạnh tích cực, diễn biến tăng của lãi suất liên ngân hàng hay trạng thái bơm ròng với khối lượng tiền lớn của NHNN có thể là tín hiệu cho thấy tăng trưởng tín dụng đã có nhiều khởi sắc trong thời gian gần đây. Tuy nhiên theo nhiều đánh giá, sẽ vẫn cần thêm tín hiệu rõ ràng hơn trong thời gian tới để có thể khẳng định xu hướng này của tăng trưởng tín dụng. Bởi mặc dù NHNN can thiệp ngay khi lãi suất liên ngân hàng có biểu hiện nhích lên, mặt bằng lãi suất như hiện tại theo nhiều đánh giá không phải là mức lãi suất cân bằng mà NHNN muốn duy trì trên thị trường liên ngân hàng.

Hơn nữa lãi suất liên ngân hàng cũng chưa cho thấy tín hiệu hạ nhiệt sau hai tuần bơm ròng. "Chúng tôi cho rằng trong các tuần sắp tới, NHNN sẽ tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng qua kênh OMO và tín phiếu cho đến khi lãi suất liên ngân hàng ổn định trở lại" - một tổ chức đầu tư đưa đánh giá.

Cũng liên quan đến vấn đề thanh khoản của một số ngân hàng, thực tế ngay trong tuần thứ hai của tháng 8, NHNN phải quay trở lại bơm ròng trên kênh tín phiếu sau khi hút ròng với giá trị đạt mức cao trong tuần trước đó. Khối lượng bơm ròng hơn 2.400 tỉ đồng trong tuần thứ hai của tháng nhanh chóng cho thấy dấu hiệu giảm bớt tình trạng dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại.

Một diễn biến đáng chú ý khác là cũng ngay trong tuần này, lãi suất liên ngân hàng bắt đầu có những diễn biến không ổn định. Quan sát các biến động thất thường này, nhiều ý kiến đồng quan điểm khi cho rằng, thanh khoản của các ngân hàng thương mại không đồng đều chính là lí do chính khiến lãi suất liên ngân hàng có biến động như trên. Có ý kiến cho rằng, trong khi các ngân hàng lớn có lượng tiền dự trữ tương đối dồi dào, việc các ngân hàng thương mại nhỏ có thể đang ở trạng thái thiếu thanh khoản là yếu tố kéo theo việc tăng giảm thất thường của lãi suất liên ngân hàng trong các phiên trong tuần thứ hai của tháng 8.

Nguồn Lao động


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới