Hủy
Kinh Doanh

Nhiều lĩnh vực sẽ bùng nổ M&A năm 2022

Hải Bằng Thứ Hai | 27/12/2021 11:26

Nhiều quốc gia Bắc Á tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam. Ảnh: TL.

Nhiều tập đoàn kinh tế lớn coi mua bán và sáp nhập (M&A) như một chiến lược quan trọng trong sự phát triển của họ.
 

Công ty Cổ phần Louis Holdings tiếp tục đăng ký mua hơn 5 triệu cổ phiếu AGM của Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu An Giang (AGM). Giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức đấu giá cả lô cổ phần AGM của SCIC, dự kiến thực hiện từ ngày 24/12/2021 đến ngày 5/01/2022. Nếu thành công, Louis Holdings sẽ chính thức trở thành công ty mẹ của AGM khi nâng sở hữu tại đây lên 51,17% vốn, tương đương hơn 9 triệu cổ phần.

Mặc dù sắp hết năm nhưng những thương vụ mua bán sáp nhập vẫn liên tục diễn ra, báo hiệu năm 2022 vẫn còn tiếp tục bùng nổ.

Là một người quan sát thị trường Việt Nam đã lâu, ông Warrick Cleine, Chủ tịch KPMG Việt Nam và Campuchia khẳng định, thị trường M&A đã trở thành một phần quan trọng trong bức tranh kinh tế Việt Nam với những thương vụ có giá trị lên tới hàng trăm triệu USD.

Nhiều quốc gia Bắc Á tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam. Trong đó, các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm ngành tài chính, chăm sóc y tế sức khoẻ, bán buôn – bán lẻ hay công nghệ thông tin trong khi các nhà đầu tư Hàn Quốc hứng thú với ngành thương mại điện tử, logistics… Những tập đoàn lớn toàn cầu, trong đó nổi bật là Alibaba cũng quan tâm đến M&A ở Việt Nam.

Ảnh: TL.
Mặc dù số lượng giao dịch năm 2020 và 2021 giảm nhưng giá trị giao dịch tăng mạnh, đặc biệt là năm 2021. Ảnh: TL.

Ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ mua bán - sáp nhập xuyên quốc gia của RECOF Corporation trong Diễn đàn M&A Việt Nam 2021 đã nhấn mạnh, mặc dù chịu ảnh hưởng của COVID-19 nhưng Việt Nam vẫn đứng thứ hai, sau Singapore, trong số các điểm đến quan trọng nhất của nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.

Mặc dù số lượng giao dịch năm 2020 và 2021 giảm nhưng giá trị giao dịch tăng mạnh, đặc biệt là năm 2021 với giao dịch lớn giữa SMBC Consumer Finance và VP Bank. Sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản đối với Việt Nam tiếp tục ở mức cao.

Năm 2021, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm cả dòng vốn đầu tư thông qua M&A vẫn có sự tăng trưởng dù gặp nhiều thách thức do đại dịch. Tính đến cuối tháng 11/2021, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỉ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 4,4 tỉ USD.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, sự tăng trưởng mạnh cả về giá trị và số thương vụ tại Việt Nam bất chấp diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 cho thấy, thị trường M&A Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cũng theo ông Phương, nhiều doanh nghiệp đang sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới, kéo theo nhu cầu M&A dự kiến sẽ bật tăng mạnh trong thời gian tới.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam hấp dẫn

Ông Seck Yee Chung, Luật sư điều hành Công ty Luật Baker & McKenzie nhận định, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang rất hấp dẫn. Việt Nam có nguồn lực dồi dào, đó là dân số đông, giới trung lưu tăng nhanh, đó là sự hấp dẫn lớn với nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, theo bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Công ty Luật VILAF, có nhiều yếu tố “hậu thuẫn” cho khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam đối với các đối tác nước ngoài, từ đó hỗ trợ cho tiềm năng bật lại mạnh mẽ đối với thị trường Việt Nam trong năm 2022.

Tổng giá trị giao dịch M&A ở Việt Nam trong giai đoạn Q1-Q3 (2014-2021). Ảnh: Mergermarket
Tổng giá trị giao dịch M&A ở Việt Nam trong giai đoạn Q1-Q3 (2014-2021). Ảnh: Mergermarket

Đầu tiên, nhà đầu tư Việt Nam cũng như các doanh nghiệp, nhà làm chính sách đã có khả năng phản ứng rất tích cực để vượt qua và quay trở lại sau đại dịch, nổi bật trong quá trình đó là sự thúc đẩy xu hướng số hóa cả trong kinh doanh và lối sống.

Thứ hai là yếu tố pháp lý và môi trường sẽ tốt hơn cho nhà đầu tư. Các FTA sẽ có hiệu lực tới đây và các thỏa thuận về hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia láng giếng sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2022 sẽ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, tinh gọn hải quan, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường.

Bà Duyên cho rằng, các yếu tố hậu thuẫn này sẽ giúp thúc đẩy hoạt động M&A của Việt Nam dù vẫn có nhiều thách thức. Chẳng hạn, các thương vụ có thể mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành do một số vướng mắc như đi lại, thẩm định…

Thị trường M&A đạt gần 9 tỉ USD trong 10 tháng qua


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới