Hủy
Kinh Doanh

Nợ có khả năng mất vốn chiếm gần 60% nợ xấu

Thứ Tư | 26/06/2013 08:08

Nợ nhóm 5 tăng cao, làm tăng nguy cơ tổn thất tín dụng tại một số ngân hàng.
 

TBKTSG dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, nợ xấu theo báo cáo của tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục tăng 5 tháng đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5, nhóm có khả năng mất vốn đã tăng thêm khoảng 20.900 tỷ đồng, tương đương tăng 36,5% so với cuối năm trước.

Nợ nhóm 5 chiếm khoảng 57,2% trong tổng nợ xấu, trong khi đến cuối 2012, nợ nhóm 5 chiếm 48,5%.

Báo cáo trước đó của Thống đốc cho thấy, tốc độ tăng bình quân nợ xấu những tháng đầu năm nay đã được kiềm chế ở mức dưới 4%/tháng (giảm đáng kể so với tốc độ tăng 9%/tháng của cùng kỳ năm 2012), song tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng liên tục tăng lên do dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm.

Mới đây, Chánh thanh tra NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, con số nợ xấu toàn ngành ngân hàng tính đến ngày 31/5 là 4,65%, giảm nhẹ so với con số 4,67% tính đến cuối tháng 4 nhưng vẫn tăng so với mức 4,08% của cuối năm 2012 và 3,07% cuối năm 2011 .

Đây là số liệu được tổng hợp từ báo cáo của 124 tổ chức tín dụng trong nước. Trong đó, ông Nghĩa cho biết, có khoảng 30 tổ chức tín dụng khai báo tỷ lệ nợ xấu của mình hiện ở mức trên 3%, nghĩa là chiếm khoảng 1/4 số lượng tổ chức tín dụng hiện nay.

Để xử lý nợ xấu, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội chiều 30/5, Thống đốc cho biết, ngoài trích lập dự phòng rủi ro và cơ cấu lại nợ, ngành ngân hàng cũng có nhiều giải pháp khác như việc xây dựng đề án xử lý nợ xấu và đã được Bộ Chính trị phê duyệt đầu tháng 3 hay việc Chính phủ vừa chính thức thông qua thành lập công ty quản lý tài sản (VAMC) vào tháng 5 vừa qua.

Về VAMC, hiện NHNN vẫn đang triển khai bước tiếp theo để đưa vào hoạt động trong năm nay. Dự kiến, trong năm nay công ty này sẽ góp phần giải quyết 40 - 70 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Nợ của các ngân hàng được phân loại theo 5 nhóm. Trong đó, nợ xấu (NPL) là nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5. Tỷ lệ nợ xấu là tỷ lệ giữa nợ xấu so với tổng nợ từ nhóm 1 đến nhóm 5.

Tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro của từng nhóm:- Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn): 0%;- Nhóm 2 (Nợ cần chú ý): 5%;- Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn): 20%;- Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ mất vốn): 50%;- Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn): 100%.

Nguồn Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới