Hủy
Kinh Doanh

Siết chặt quản lý doanh nghiệp chế xuất

Thứ Tư | 14/11/2012 12:04

Doanh nghiệp chế xuất có thể chỉ được bán dưới 10% doanh thu bán hàng vào thị trường nội địa.
 

Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV), hồi đầu năm nay đã chính thức đề nghị được chuyển đổi hình thức hoạt động sang doanh nghiệp chế xuất, thay cho hình thức doanh nghiệp nội địa hiện nay. Do kim ngạch xuất khẩu của SEV đang gia tăng, dự kiến năm nay có thể đạt trên 10 tỷ USD, vì vậy SEV muốn trở thành doanh nghiệp chế xuất để không phải nộp thuế nhập khẩu linh kiện, thiết bị, thuế VAT.

Trong khi đó, ngay khi đăng ký đầu tư nhà máy sản xuất điện thoại di động ở Bắc Ninh, Nokia đã đăng ký là doanh nghiệp chế xuất. Trong kế hoạch của mình, Nokia Bắc Ninh sẽ xuất khẩu 90 - 95% sản phẩm ra nước ngoài.

Không chỉ Samsung hay Nokia, xu hướng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài muốn xin chuyển sang loại hình doanh nghiệp chế xuất ngày càng nhiều. Ngoài chuyện không phải nộp thuế, khi trở thành doanh nghiệp chế xuất, các doanh nghiệp này còn được tạo điều kiện rất lớn về thủ tục hải quan.

Không dừng ở đó, nhiều doanh nghiệp trong số này còn xin được quyền kinh doanh nhập khẩu hàng hóa tại Việt Nam, được bán sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu vào thị trường nội địa mà không bị giới hạn bởi số lượng và đại lý mua hàng… Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Việt Nam sẽ thu được gì từ việc cấp phép cho những dự án đầu tư như vậy?

Trên thực tế, dù quy định phải xuất khẩu 100% sản phẩm mới được coi là doanh nghiệp chế xuất, song theo ông Nguyễn Xuân Chính, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Hà Nội, rất ít doanh nghiệp chế xuất xuất khẩu 100% sản phẩm. Thậm chí, thông tin từ Bộ Công thương cho thấy, xu hướng doanh nghiệp chế xuất bán hàng vào nội địa đang tăng lên.

“Không chỉ bán thành phẩm, mà gần đây, doanh nghiệp chế xuất còn bán linh kiện, vật tư phục vụ sản xuất nội địa”, ông Chính nói và bày tỏ quan điểm rằng, không nên cấm và giới hạn tỷ lệ hàng hóa mà doanh nghiệp chế xuất bán vào nội địa, nhất là khi công nghiệp phụ trợ Việt Nam chưa phát triển.

Tuy nhiên, ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tới đây, khi sửa đổi Nghị định 29/2008, một quy định mới dự kiến được đặt ra để quản lý chặt các doanh nghiệp chế xuất. Đó là, doanh nghiệp chế xuất sẽ chỉ được bán không quá 10% doanh thu hàng năm vào thị trường nội địa. “Nếu quá tỷ lệ này, các doanh nghiệp chế xuất sẽ phải chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp khác”, ông Thắng nói.

Đồng quan điểm này, một cán bộ của Bộ Tài chính cho rằng, đưa ra mức giới hạn 10% doanh thu bán hàng vào thị trường nội địa đối với doanh nghiệp chế xuất là hợp lý. Thậm chí, theo vị này, cần phải đặt ra các chế tài cụ thể, nếu không đạt tỷ lệ xuất khẩu 90% thì xử lý thế nào, cơ quan nào phải có trách nhiệm xử lý.

Nguồn Báo Đầu tư


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới