Thực hiện CPTPP, Việt Nam dự kiến giảm thuế 300 mặt hàng
Ảnh: Internet
Với cam kết cắt giảm thuế của các nước thành viên sẽ là cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp. Đơn cử, Canada xóa bỏ ngay thuế quan đối với các sản phẩm thủy sản, đặc biệt các sản phẩm chủ lực của Việt Nam bao gồm: Cá tra (tươi, ướp lạnh, phile, chế biến), tôm, cá hồi (tươi, ướp lạnh, phile, chế biến), cá ngừ, cá kiếm, cua, mực… Hay gạo và sản phẩm chứa gạo, cà phê, chè xanh, rau hoa quả… cũng được xóa bỏ phần lớn thuế quan ngay thời điểm bắt đầu triển khai cam kết.
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, hiện doanh nghiệp xuất khẩu hai mặt hàng dệt may và da giày đang tận dụng rất tốt quy tắc xuất xứ theo quy định của CPTPP khi xuất khẩu sang thị trường Canada. Còn tại thị trường Nhật Bản, đa số mặt hàng thủy sản có thế mạnh của Việt Nam trong đó có tôm đông lạnh (HS 030617) và tôm chế biến (HS 160521) được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Bên cạnh đó, các mặt hàng như cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ghẹ... cũng được hưởng thuế suất 0%.
|
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, trong 4 - 5 tháng thực hiện Hiệp định CPTPP, thương mại của Việt Nam với một số nước là thành viên của CPTPP đã tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn cử như thương mại của Việt Nam đối với Canada đã tăng trên 70%, với Mexico tăng trên 8%. Với Nhật, Việt Nam đã có hiệp định trong khuôn khổ ASEAN nhưng thương mại trong vòng bốn tháng vừa qua cũng đã tăng 4%. Điều này cho thấy CPTPP đã bắt đầu phát huy tác dụng đối với nền kinh tế.
300 mặt hàng sẽ được giảm thuế
Theo ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ tài chính cho biết, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ ban hành Nghị định về biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CPTPP, trước mắt là cho giai đoạn từ ngày 14/1/2019 đến hết ngày 31/12/2022. Dự kiến Nghị định sẽ được ban hành vào tháng 6 tới. Trong biểu thuế này Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan cố gắng đưa ra so sánh thuế suất của các FTA so với CPTPP để doanh nghiệp lựa chọn các mức thuế suất ưu đãi phù hợp.
Ông Thăng cũng cho hay, biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi bao gồm 2 nhóm nước là những nước đã thực hiện CPTPP từ cuối năm 2018 (gồm Canada, Úc, New Zealand và Singapore) và nhóm nước thực hiện từ năm 2019. Theo đó, khi DN nhập khẩu hàng hoá thì cần đọc biểu thuế để nắm được lộ trình giảm thuế. Ví dụ như hàng hoá nhập từ Úc thì lộ trình áp dụng là năm thứ hai, trong khi nhập từ Mexico thì lộ trình là năm thứ nhất.
Bà Hoàng Thị Thủy, Trưởng phòng giám quản 4, Cục giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan - thông tin, biểu thuế này sẽ dự kiến sẽ có khoảng 300 mặt hàng có mức thuế cắt giảm sâu hơn mức thuế thông thường. Tuy nhiên, để được áp dụng thuế suất ưu đãi doanh nghiệp phải có C/O ưu đãi. Và C/O trong CPTPP là chứng từ chứng nhận xuất xứ có thể được cấp cho nhiều lô hàng với điều kiện không quá 12 tháng và có thể cấp cho nhiều nhà nhập khẩu khác nhau.
Theo Bộ Công Thương, thuế nhập khẩu cũng chỉ là một trong những ưu đãi cho hàng hoá của Việt Nam khi vào các thị trường. Việc hàng hoá có xuất khẩu được hay không còn phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm, các tiêu chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu cũng như các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ
-
Nguyên Hồ