Hủy
Kinh Doanh

Thủy sản vào Mỹ: Đến hồi doanh nghiệp khó “tự bơi”

Hải Vân Thứ Ba | 24/04/2018 09:18

Quý Hòa

 
 
Việc Mỹ gần đây đánh tiếng sơ bộ công nhận “tương đương” cho cá tra Việt Nam không làm thay đổi bản chất các chính sách của Mỹ.

→Có lần thứ ba may mắn cho cá tra Việt Nam?

→Cá tra Việt Nam "một cổ hai tròng" ở Mỹ

Xuất khẩu vào Mỹ năm 2017, thủy sản thuộc nhóm những mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm, khi chỉ đạt mức 1,41 tỷ USD, giảm 0,59%. Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm 10% và xuất khẩu tôm giảm 7.5%.  

Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu, ngày 23.4, ghi nhận một số yếu tố có thể tác động không tích cực đến xuất khẩu thủy sản năm 2018, như Chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ, thuế chống bán phá giá tôm, cá tra sang Mỹ, trong khi vẫn tồn tại tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, vấn đề kháng sinh, giá thành sản xuất...

Hai vấn đề chính

Mỹ, cùng với EU, tiếp tục là hai thị trường lớn xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, đang có 2 vấn đề chính đối với thị trường Mỹ, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác nhận.

Thứ nhất, về Luật phân bổ ngân sách của Mỹ. Ngày 23.3, Tổng thống Mỹ đã ký ban hành Luật phân bổ ngân sách cho năm tài khóa 2018, ngay sau khi Quốc hội nước ngày thông qua luật này với một số điểm liên quan đến xuất khẩu cá tra và tôm của các nước và Việt Nam vào thị trường Mỹ.

Ngày 8.12.2016, Cục Nghề cá biển quốc gia, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành quy định cuối cùng về việc thiết lập Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản nhằm tăng cường thực thi chống đánh cá trái phép, không khai báo, bất hợp pháp (IUU) và chống gian lận thủy sản. Quy định này có hiệu lực thực thi từ ngày 1.1.2018.

Như vậy, chiểu theo Luật Ngân sách năm 2018 của Mỹ, khả năng nước này dừng hoàn toàn việc nhập khẩu cá da trơn Việt Nam kể từ tuần thứ 3 của tháng 9.2018, trước khi Việt Nam có thể được công nhận tiêu chuẩn tương đồng và vụ kiện tại WTO có quyết định thuận cho Việt Nam, buộc Mỹ rút lại chương trình này. Khi đó, để khôi phục lại thị trường cá da trơn Mỹ sẽ mất nhiều thời gian, sau khi bị các sản phẩm thay thế khác chiếm lĩnh thị trường.

Thứ hai, về việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá và chương trình giám sát cá da trơn của Việt Nam. Hiện, xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam sang Mỹ đang phải đối mặt với hai rào cản: Thuế chống bán phá giá và Chương trình giám sát cá da trơn. Đây là yếu tố tác động rất lớn đến xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam.

Liên quan đến mức thuế chống bán phá giá, ngày 15.3.2018, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc rà soát hành chính lần thứ 13 (POR13) biện pháp chống bán phá giá cá tra, basa của Việt Nam. Hiện, Mỹ đang áp dụng mức thuế chống bán phá giá rất cao, áp cho sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam, từ 2,39USD/kg – 7,74 USD/kg.

Còn về chương trình giám sát cá da trơn, Mỹ áp dụng chương trình thanh tra bắt buộc đối với các sản phẩm cá bộ da trơn nhập khẩu, làm tăng chi phí kiểm tra và chậm thời gian giao hàng, gây ảnh hưởng đến việc xuất khẩu đối với các lô hàng cá tra của Việt Nam.

Thuy san vao My: Den hoi doanh nghiep kho “tu boi”
 

Như vậy, Mỹ đang dựng lên cả hàng rào thuế quan (thuế chống bán phá giá cao) và phi thuế quan (chương trình giám sát cá da trơn) rất cao đối với cá tra và basa của Việt Nam. Việc Mỹ gần đây đánh tiếng sơ bộ công nhận “tương đương” cho cá tra Việt Nam (nới lỏng biện pháp phi thuế) không làm thay đổi bản chất các chính sách của Mỹ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cảnh báo, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn kể cả trong trường hợp được công nhận về “tính tương đương” theo chương trình giám sát cá da trơn của Mỹ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam thời gian tới.

Doanh nghiệp khó “tự bơi”

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho rằng, những vấn đề của thủy sản Việt Nam nếu không được giải quyết hiệu quả sẽ là nguy cơ triệt tiêu các nỗ lực tích cực đến từ kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại song và đa phương; xây dựng uy tín chất lượng hàng hóa và cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Thay mặt Hiệp hội VASEP, ông Hòe kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn định hướng cho các thị trường xuất khẩu chủ lực về thủy sản, cụ thể là thị trường Mỹ, đồng thời giải quyết nhanh các vướng mắc, rào cản để thúc đẩy xuất khẩu.

Có thể nhận thấy sự cấp bách trong đề nghị của Vasep, doanh nghiệp ngành thủy sản sẽ không thể “tự bơi” vào thị trường Mỹ khi hai “gọng kìm” bảo hộ và thuế chống bán phá giá cùng siết chặt. Tuy nhiên, việc tìm kiếm những giải pháp mới, mang tính đột phá đã gần như không đạt được tại hội nghị lần này, những giải pháp không mới, được đưa ra hoặc để “ngoại giao” hoặc để “cho có” của chính các bộ ngành trực tiếp liên quan.

Chẳng hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Công thương cần chủ trì xem xét đánh giá tác động của việc áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra của Việt Nam và đấu tranh với những quy định mới, bất hợp lý trong dự thảo Luật Trang trại (Farm Bill) 2018 của Mỹ.

Hay, Bộ Công thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu áp dụng việc kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho cả các lô hàng thủy sản xuất khẩu dưới hình thức tiểu ngạch, bảo đảm uy tín cho thủy sản của Việt Nam.

Thực ra, những giải pháp như đánh giá, xem xét và nghiên cứu của các bộ liên quan đều quan trọng, nhưng quan trọng hơn lúc này là đưa ra những giải pháp đột phá, cùng doanh nghiệp giữ được thị trường Mỹ, cũng như đảm bảo mục tiêu xuất khẩu cho năm 2018 và những năm tiếp theo.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới