Hủy
Kinh Doanh

Trên 400.000 tấn đường tồn kho

Thứ Hai | 30/09/2013 08:06

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lượng đường tồn kho của cả nước luôn ở mức cao trong mọi thời điểm và ngày một tăng dần.
 

Tại cuộc họp về tình hình khó khăn của ngành mía đường và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ đường do Hiệp hội Mía đường Việt Nam tổ chức sáng ngày 29-9 tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp cho biết đang đứng trước nguy cơ phá sản, thua lỗ do đường tồn kho cao.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lượng đường tồn kho của cả nước luôn ở mức cao trong mọi thời điểm và ngày một tăng dần. Tính từ đầu niên vụ 2012-2013 (niên vụ sản xuất đường được tính từ đầu tháng 8- 2012 đến cuối tháng 7- 2013), tồn kho đã ở mức 178.000 tấn, tuy nhiên đến tháng 5-2013, lượng đường tồn kho tăng đến mức 580.000 tấn. Trong niên vụ 2012-2013, 41 nhà máy đường trong cả nước cũng đã sản xuất được 1,53 triệu tấn đường thành phẩm.

Tại Công ty CP Mía đường Lam Sơn hiện đang tồn kho khoảng 12.000 tấn đường tinh luyện. Cũng trong tình trạng đang “ngồi trên đống lửa” là Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam bởi trong niên vụ 2012- 2013, KCP đã sản xuất được 9 triệu tấn đường và còn tồn kho 38.000 tấn.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thực tế chỉ đạt khoảng 1,35 triệu tấn/vụ. Vì vậy, sau khi cân đối nhu cầu thị trường và mức luân chuyển cuối năm, dự kiến lượng đường dư thừa do cung vượt cầu tính đến thời điểm hiện tại đang ở mức cao ngất ngưởng, trên 400.000 tấn, chủ yếu là đường tinh luyện.

Mặt khác, theo ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nạn buôn lậu và gian lận thương mại đường hoành hành, đặc biệt tại biên giới Tây Nam đang “nóng” dần. Chủ yếu là đường lậu từ Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ...

Chưa kể, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường trong năm 2013 là 72.500 tấn. Những điều này, đã gây áp lực rất lớn cho việc tiêu thụ đường tinh luyện trong nước. Ông R.Subbaiah, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam chia sẻ, thị trường trong nước đang dư thừa một lượng đường tinh luyện lớn nhưng năm nào Bộ Công Thương cũng cấp quota nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn đường về nước với giá rẻ tạo ra thế cạnh tranh không bình đẳng. Vì thế, một số doanh nghiệp đã hủy hợp đồng mua đường tinh luyện của các công ty sản xuất trong nước để nhập khẩu đường.

Trước tình hình trên, đại diện các doanh nghiệp mía đường cho rằng, Chính phủ nên cho phép tiếp tục xuất khẩu đường tiểu ngạch không hạn chế chủng loại. Số lượng xuất khẩu căn cứ vào dự báo lượng dư thừa. Việc cấp phép thì kịp thời công khai, minh bạch và thông thoáng thủ tục.

Nguồn Báo Hải quan


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới