Hủy
Kinh Doanh

Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc - Cú huých cho chứng khoán châu Á?

Thứ Hai | 20/04/2015 09:22

Đầu tuần, Trung Quốc khiến cả thị trường châu Á bất ngờ khi giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc mạnh nhất từ khủng hoảng 2008.
 

Theo thông báo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng giảm 100 điểm cơ bản xuống 18,5%, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/4. Quyết định này được đưa ra sau khi số liệu chính thức cho biết, giá nhà tại Trung Quốc giảm 7 tháng liên tiếp tính đến tháng 3.

Với động thái này, thị trường chứng khoán Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung dự báo sẽ tăng mạnh trong những phiên đầu tuần. Chỉ số Shanghai Composite đã tăng 99% trong 12 tháng trở lại đây, chủ yếu nhờ đồn đoán của thị trường về khả năng PBOC tăng cường kích thích.

Tuần này mặc dù không có nhiều báo cáo kinh tế nhưng thị trường châu Á và thế giới vẫn chịu áp lực từ đà giảm giá của hàng hóa và đàm phán cứu trợ của Hy Lạp. Tại Mỹ, giới đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi kết quả kinh doanh của khối doanh nghiệp trong bối cảnh USD tăng mạnh và giá dầu giảm.

Các số liệu kinh tế

Sau Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ là quốc gia tiếp theo công bố số liệu GDP quý I/2015. Theo giới chuyên gia phân tích tại Moody's, kinh tế Hàn Quốc có thể tăng trưởng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý I/2015 - cao hơn mức 0,3% của quý trước đó.

Nhờ hóa đơn nhập khẩu giảm và nhu cầu về công nghệ trên toàn cầu tăng, xuất khẩu ròng ngày càng đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của Hàn Quốc. Tuy nhiên, kinh tế Hàn Quốc vẫn xu hướng tăng trưởng chậm trong dài hạn do chi tiêu tiêu dùng yếu ớt. Chính phủ Hàn Quốc cần phải tăng cường kích thích tiền tệ hơn nữa trong những tháng tới, Moody's nhận định.

Sau đó ngày 22/4, Australia sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I/2015. Dự báo, CPI quý I/2015 của Australia không thay đổi so với quý trước đó do giá dầu giảm. Lạm phát hàng năm theo đó dự báo chỉ đạt 1,1% - thấp hơn mục tiêu lạm phát dài hạn của Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) là khoảng 2 - 3%.

Moody's cho rằng, áp lực tăng giá đến từ tình trạng đôla Australia suy yếu và lượng người mua nhà mới giảm. Tuy nhiên, giá tiêu dùng vẫn chưa thể tăng lên mức mục tiêu của RBA nên rất có thể ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong tháng 5.

Ngoài ra, thị trường Nhật Bản sẽ tiếp nhận báo cáo thương mại tháng 3 trong ngày 21/4 và số liệu PMI sản xuất sơ bộ tháng 4 của Trung Quốc trong ngày 23/4.

Biến động giá quặng sắt

Sau khi xuống thấp nhất 10 năm ở 46,7 USD hồi đầu tháng 4, giá quặng sắt dần lấy lại đà tăng lên trên 50 USD/tấn. Trước đó do nguồn cung dư thừa và nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc suy yếu, giá quặng sắt đã giảm 60% trong vòng 12 tháng trở lại đây.

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, khủng hoảng giá quặng sắt vẫn chưa kết thúc. Biến động giá quặng sắt có thể sẽ khiến nhiều mỏ khai thác đóng cửa.

Thậm chí, khủng hoảng giá quặng sắt sẽ ảnh hưởng lớn đến ngân sách quốc gia và cổ phiếu của các công ty khai thác mỏ thuộc chỉ số S&P ASX 200, do quặng sắt là hàng hóa xuất khẩu lớn nhất của Australia.

Đàm phán cứu trợ của Hy Lạp

Trước khi bước vào cuộc họp quan trọng giữa Hy Lạp và Eurogroup ngày 24/4, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từng khẳng định tính khẩn cấp trong việc giải quyết vấn đề nợ nần của Hy Lạp.

Hiện tại, Hy Lạp đang chật vật với "núi nợ" khổng lồ sau khi không được tiếp trợ tài chính kể từ tháng 8/2014. Để thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ, chính phủ Hy Lạp phải được các chủ nợ thông qua kế hoạch cải cách kinh tế để được nhận cứu trợ tiếp theo. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của Hy Lạp vẫn là chính sách khắc khổ mà chính quyền ông Alexis Tsipras kiên quyết phản đối.

Theo Reuters, trong khi Thủ tướng Tsipras rất lạc quan về vòng đàm phán cuối tuần này thì một số quan chức lại không mấy hy vọng. Hy Lạp vỡ nợ sẽ là chấn động lớn đối với các thị trường tài chính.

Nguồn NCĐT/ CNBC


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới