Hủy
Tài Chính

Bệ phóng của nhóm ngành bất động sản

Kim Anh Thứ Năm | 04/11/2021 19:00

Trên bản đồ vốn hóa của sàn HOSE, ngành bất động sản là nhóm chiếm tỉ trọng vốn hóa lớn thứ 2, sau nhóm cổ phiếu ngân hàng. Ảnh minh họa: TL.

Lãi suất thấp, đầu tư công và môi trường pháp lý đang là đòn bẩy chung cho ngành bất động sản.
 

Dậy sóng cổ phiếu bất động sản

Trên bản đồ vốn hóa của sàn HOSE, ngành bất động sản là nhóm chiếm tỉ trọng vốn hóa lớn thứ 2, sau nhóm cổ phiếu ngân hàng với tỉ trọng khoảng hơn 22,6% tổng giá trị vốn hóa trên sàn HOSE. Theo dữ liệu được NCĐT thống kê đến ngày 3/11, trên sàn HOSE hiện đang có 18 doanh nghiệp bất động sản có giá trị vốn hóa trên 3.000 tỉ đồng và có thị giá cổ phiếu trên mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Kể từ đầu năm 2021 đến nay, thị giá của các cổ phiếu bất động sản đã bứt phá mạnh mẽ, đạt mức tăng trưởng bình quân 77%, vượt trội hơn so với mức tăng bình quân hơn 30,8% của chỉ số VN-Index.

Đối với các doanh nghiệp bất động sản có vốn hóa lớn (trên 10.000 tỉ đồng) thì cổ phiếu DIG của Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng; PDR của Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt; NVL của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland)  nổi bật với đà tăng trên 100% về thị giá. Trong khi đó, các cổ phiếu thuộc họ VIN như  VHM, VIC và VRE lại có diễn biến về giá kém khả quan hơn so với phần còn lại.

 

Trong khi các doanh nghiệp bất động sản có sự phân hóa về diễn biến giá cổ phiếu thì đối với các doanh nghiệp bất động sản có vốn hóa vừa lại có những diễn biến rất tương đồng. Nhóm này ghi nhận mức tăng bình quân hơn 74,2% về thị giá. 

Từ câu chuyện riêng

Có thể nói, ẩn sau những đợt tăng giá mạnh mẽ của cổ phiếu luôn là những câu chuyện vĩ mô hay từ chính doanh nghiệp đó.

Đơn cử như trường hợp của Bất động sản Phát Đạt, công ty này đã  nhanh nhạy thích ứng với thời cuộc mới khi chuyển dịch sang vùng ven từ những năm 2018-2019. Trong vài năm gần đây, việc phát triển các dự án bất động sản tại TP. HCM thường gặp vướng mắc về vấn đề pháp lý, thời gian hoàn thành hồ sơ dự án kéo dài, trong khi lãi suất vay vốn ngân hàng cũng bị ràng buộc khiến cho nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, Phát Đạt đã nhanh chóng chuyển hướng sang các tỉnh miền Trung và các tỉnh ven TP. HCM, tập trung ở những địa điểm có lợi thế về quỹ đất lớn, thủ tục pháp lý nhanh gọn và có tiềm năng về du lịch hoặc công nghiệp.

 

Hay Novaland là một trong những chủ đầu tư bất động sản hàng đầu Việt Nam, tập trung vào các dự án nhà ở phân khúc trung đến cao cấp tại TP. HCM. Năm 2018, Novaland mở rộng hoạt động sang mảng du lịch - nghỉ dưỡng. Tập đoàn này hiện có quỹ đất rộng trên 2.300 hecta phục vụ phát triển nhà ở và khách sạn - nghỉ dưỡng tại TP. HCM và một số tỉnh thành ven biển.

Ở nhóm vốn hóa vừa, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (mã AGG) cũng được giới phân tích đánh giá tích cực. Công ty Chứng khoán Mirae Asset đánh giá An Gia là một công ty bất động sản có nhiều tiềm năng đang trong đà bứt phá với lượng quỹ đất ngày càng được mở rộng. “Chúng tôi kỳ vọng những thay đổi đáng kể về pháp lý trong thời gian qua sẽ tạo động lực cho ngành bất động sản nói chung và cho An Gia nói riêng”, Mirae Asset nhận định.

Đến các bệ đỡ của ngành

Đối với câu chuyện chung của ngành, môi trường lãi suất thấp đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho ngành bất động sản trong thời gian qua. Khảo sát của Agriseco Research cho thấy rằng mặt bằng lãi suất vẫn đang được duy trì thấp nhất trong những năm gần đây với lãi suất cho vay mua nhà đang quanh mức 8% - 9%.

 

Bên cạnh đó, việc nới lỏng pháp lý và đẩy mạnh đầu tư công cũng được đánh giá là chất xúc tác trong trung và dài hạn cho ngành bất động sản. Theo đánh giá của Agriseco Research, đầu tư công là phương án khả thi nhất trong bối cảnh hiện nay để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn viêc làm khi các "đầu kéo" khác là tiêu dùng đang chịu ảnh hưởng nặng từ dịch bệnh, tình trạng nhập siêu tiếp tục diễn ra các tháng gần đây.

Chia sẻ tại buổi Tọa đàm "Bất động sản trong xu thế mới: Linh hoạt để thích ứng" do báo Người Lao Động tổ chức mới đây, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, đánh giá việc chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có câu chuyện đầu tư công cũng là một trong những điều kiện thuận lợi của thị trường bất động sản trong thời gian tới. Ngoài ra,  liên quan đến vấn đề pháp lý, vị Tiến sĩ này cho hay trong năm tới Chính phủ dự kiến đề xuất với Quốc hội sửa khoảng 4 Luật, bao gồm Luật nhà ở; Luật đất đai; Luật kinh doanh bất động sản và một số điểm trong Luật xây dựng. Cuối năm 2021, Chính phủ sẽ đề xuất dùng 1 luật để sửa 10 luật.

Cũng tại buổi Tọa đàm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho biết, thống kê của họ đối với 17 chủ đầu tư tại TP. HCM thì có tới hơn 30.000 căn nhà chưa được cấp sổ hồng. Ông Châu khẳng định “Tháo gỡ về thể chế pháp luật là điều kiện hàng đầu để thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng trở lại”.

Trong câu chuyện đầu tư công và tháo nút thắt pháp lý, có các dự án nổi bật như Vinhomes Grand Park và Khang Điền Clarita nhờ quy hoạch TP. Thủ Đức, tổ hợp Aqua của Novaland nhờ sân bay Long Thành và cao tốc Dầu Giây hay Westgate Bình Chánh nhờ thỏa điều kiện pháp lý và hạ tầng được đẩy mạnh đầu tư công.

Có thể bạn quan tâm 

Những “ông vua tiền mặt” trên thị trường chứng khoán


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới