Hủy
Tài Chính

Chứng khoán đón những yếu tố hỗ trợ nào để bật tăng?

Vũ Hoài Thứ Năm | 16/04/2020 15:40

Chứng khoán đang đón loạt yếu tố hỗ trợ để bật tăng trong bối cảnh đại dịch được đẩy lui.
 

Trong báo cáo Chiến lược thị trường chứng khoán quý II.2020, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đã chỉ ra những yếu tố có tác động hỗ trợ thị trường trong giai đoạn này.

Giải ngân đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng

KBSV kỳ vọng tiến độ giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới như là một biện pháp kích thích tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng. Cụ thể, việc tăng trưởng chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh COVID-19 trong khi dư địa chính sách tiền tệ hạn chế, KBSV cho rằng Chính phủ sẽ tập trung đẩy mạnh chi tiêu tài khóa.

d
Các dự án trọng điểm trong năm 2020. Nguồn: KBSV. 

Sự ưu tiên sẽ tập trung vào những dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng, có thể kể đến 2 đại dự án là cao tốc Bắc - Nam và sân bay Long Thành kỳ vọng sẽ được triển khai trong năm 2020.

Bên cạnh đó, dư địa để đẩy mạnh đầu tư công tương đối khả thi khi luật đầu tư công vừa thông qua được kỳ vọng sẽ giải quyết được những yếu kém trong hệ thống quản lý đầu tư công. Cùng với đó là bội chi ngân sách nhà nước năm 2019 tiếp diễn xu hướng giảm nhẹ, ở mức 3,4% GDP.

Mặt bằng lãi suất giảm

Về tổng thể, KBSV đánh giá mặt bằng lãi suất cho vay trong nền kinh tế sẽ có xu hướng giảm trong thời gian tới (kỳ vọng 0,5 điểm phần trăm) với 2 cơ sở chính.

 

Thứ nhất, do tác động của COVID-19, nhu cầu tín dụng các doanh nghiệp có sự sụt giảm mạnh (thể hiện qua tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm chỉ ở mức 0,06%, thấp nhất trong vòng 6 năm), trong khi thanh khoản hệ thống ở trạng thái dồi dào;

Thứ hai, chi phí huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng giảm, kết hợp với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ.

Với dự báo lạm phát sẽ sớm hạ nhiệt trong các quý tới, KBSV cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để đẩy mạnh các chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, KBSV kỳ vọng Chính phủ sẽ đẩy mạnh các chính sách kích thích tài khóa bao gồm giãn, hoàn nộp thuế, phí, lãi suất, bảo hiểm... có tác động trực tiếp nhằm hỗ trợ thanh khoản các doanh nghiệp đang gặp khó khăn mà không ảnh hưởng tới yếu tố lạm phát.

Điểm đáng chú ý trong lần này là Ngân hàng Nhà nước đã có động thái tăng lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND lên 1,0%/năm, nhằm hỗ trợ lợi nhuận các ngân hàng trong bối cảnh thu nhập bị ảnh hưởng khi triển khai các gói tín dụng ưu đãi (trị giá 285.000 tỷ đồng), dành cho doanh nghiệp bị tác động bởi COVID-19.

Theo số liệu từ BCTC các ngân hàng thương mại, tính đến cuối năm 2019, tổng giá trị tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước của các ngân hàng này vào khoảng 330.000 tỉ đồng. Như vậy, mức hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước là gần 660 tỉ đồng.

FED hạ lãi suất mạnh tay, tích cực trong dài hạn

KBSV cho rằng việc hạ lãi suất của FED mang tính chất tích cực dài hạn tới thị trường chứng khoán, dù tác động trước mắt là không đáng kể.

Theo lý giải của KBSV, việc các ngân hàng trung ương đồng loạt hạ lãi suất, đặt biệt là hành động quyết liệt của Fed  trong 2 tuần đầu tháng 3 là yếu tỗ hỗ trợ mạnh cho biến động thị trường chứng khoán  toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng.  

Lãi suất điều hành của Fed và biến động TTCK toàn cầu.
Lãi suất điều hành của Fed và biến động TTCK toàn cầu.

Theo đó, 2 tác động chính là giúp hạ nhiệt đồng USD (giúp giải tỏa áp lực tỷ giá trong nước) và hỗ trợ nguồn tiền giá rẻ tràn ngập thị trường.

KBSV cho rằng khả năng COVID-19 có gây ra suy thoái kinh tế sâu rộng đối với kinh tế toàn cầu hay không vẫn là câu hỏi được bỏ ngỏ. Trong trường hợp suy thoái sâu rộng không diễn ra, thị trường chứng khoán toàn cầu có cơ hội hồi phục mạnh mẽ nhờ các gói kích thích kinh tế của các ngân hàng trung ương. Ngược lại, trong kịch bản tiêu cực, những động thái này của các ngân hàng trung ương sẽ giúp hỗ trợ nền kinh tế và tránh cho thị trường chứng khoán tiếp tục đà giảm mạnh.

Kịch bản COVID-19 đạt đỉnh vào quý II

Thị trường chứng khoán  Việt Nam được kỳ vọng sẽ sớm hồi phục trong kịch bản dịch COVID-19 đạt đỉnh vào cuối quý II, hoặc sớm hơn, và kinh tế toàn cầu chưa bị tổn thương đến mức dẫn đến suy thoái sâu/rộng.

Nhìn lại giai đoạn năm 2003, hầu hết các ngành chịu ảnh hưởng mạnh bởi dịch SARS và giá cổ phiếu giảm sâu đều đã hồi phục và tăng mạnh hơn khi dịch qua đi.

Việc so sánh dịch SARS 2003 và dịch COVID-19 hiện tại có nhiều hạn chế, do sự khác biệt ở điều kiện vĩ mô toàn cầu, cũng như tác động của COVID-19 đến các nền kinh tế sâu và rộng hơn nhiều so với dịch SARS.

Mặc dù KBSV đánh giá xác suất suy thoái sâu/rộng trên quy mô toàn cầu xảy ra là chưa lớn. Tuy nhiên, diễn biến hồi phục nhanh và mạnh của thị trường chứng khoán toàn cầu như giai đoạn hậu dịch SARS sẽ khó có khả năng lặp lại khi mà các nền kinh tế sẽ cần nhiều thời gian hơn để quay trở lại trạng thái trước khi dịch bệnh diễn ra.

* Có thể bạn quan tâm 

[Infographic] Thị trường chứng khoán thời hậu COVID-19

►Quỹ lớn nhất của VinaCapital giảm 16% trong "tháng 3 u ám"


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới