Hủy
Đường đến niêm yết

Vốn hóa thị trường của VNG cán mốc tỉ USD sau hơn 1 tháng lên sàn

Phạm Vũ Chủ Nhật | 12/02/2023 20:44

Cổ phiếu VNZ liên tiếp tăng trần kể từ đầu tháng 2/2023. Ảnh: VNG.

Những ngày qua, cổ phiếu VNZ đã làm 'náo loạn' thị trường khi liên tiếp tăng trần và trở thành cổ phiếu đắt nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
 

Ngày 5/1 vừa qua, hơn 35,8 triệu cổ phiếu VNZ của Công ty Cổ phần VNG đã chính thức được giao dịch ở sàn UPCoM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 240.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, có hơn 28,73 triệu cổ phiếu đang lưu hành, còn lại là cổ phiếu quỹ. Trong suốt tháng 1/2023, cổ phiếu VNZ không hề có giao dịch và chỉ giữ mốc giá tham chiếu 240.000 đồng/cổ phiếu. Mãi đến đầu tháng 2/2023, 100 cổ phiếu VNZ đầu tiên đã được giao dịch và cũng đánh dấu chuỗi ngày tăng trần của cổ phiếu này.

Tính đến hết phiên giao dịch ngày 10/2, cổ phiếu này đã có chuỗi tăng trần 8 phiên liên tiếp với khối lượng giao dịch mỗi phiên là 100 cổ phiếu, riêng phiên 10/2 thì có 300 cổ phiếu VNZ được giao dịch. 

Chuỗi tăng trần 'lạ lùng' của VNZ khi chỉ có 100 cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên. Ảnh: FireAnt.
Chuỗi tăng trần 'lạ lùng' của VNZ khi chỉ có 100 cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên. Ảnh: FireAnt.

Phiên giao dịch 10/2 khép lại, cổ phiếu VNZ đóng cửa ở mức giá trần 893.400 đồng/cổ phiếu, tiếp tục trở thành cổ phiếu có thị giá đắt nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Với mức thị giá này, giá trị vốn hóa của VNG đã đạt hơn 1,08 tỉ USD, gấp hơn 3,7 lần so với thời điểm VNG mới niêm yết ở sàn UPCoM. 

Với hơn 28,7 triệu cổ phiếu VNZ đang lưu hành, giá trị vốn hóa của VNG đã vượt mốc 1 tỉ USD sau hơn 1 tháng niêm yết ở sàn UPCoM. Nguồn: VNG
Với hơn 28,7 triệu cổ phiếu VNZ đang lưu hành, giá trị vốn hóa của VNG đã vượt mốc 1 tỉ USD sau hơn 1 tháng niêm yết ở sàn UPCoM. Nguồn: VNG

Giải trình về chuỗi tăng trần thời gian qua, VNG cho biết giá cổ phiếu VNZ tăng hoàn toàn phụ thuộc vào cung-cầu của thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của nhà đầu tư. Công ty không có bất kỳ sự can thiệp hay kiểm soát nào đối với diễn biến của giá cổ phiếu VNZ trong thời gian qua. “Hiện tại, hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ biến động nào từ việc tăng giá cổ phiếu. Công ty cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến việc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM”, trích văn bản giải trình của VNG. 

Năm 2022, Công ty báo lỗ hơn 1.315 tỉ đồng, trong khi năm 2021 con số này chỉ gần 71 tỉ đồng. Nguồn: VNG.
Năm 2022, Công ty báo lỗ hơn 1.315 tỉ đồng, trong khi năm 2021 con số này chỉ gần 71 tỉ đồng. Nguồn: VNG.

Trên thực tế, chuỗi 'bốc đầu' của cổ phiếu VNZ đã bất chấp kết quả kinh doanh khá ảm đạm trong quý IV/2022 của Công ty. Cụ thể, trong quý cuối cùng của năm 2022, VNG đã báo lỗ hơn 547,3 tỉ đồng, gấp hơn 2 lần so với khoản lỗ của quý IV/2021. Lũy kế cả năm 2022, Công ty lỗ sau thuế hơn 1.315 tỉ đồng, gấp nhiều lần so với khoản lỗ hơn 70,9 tỉ đồng của năm 2021. 

Giải trình về kết quả kinh doanh, VNG cho biết lỗ sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất tăng chủ yếu do các công ty trong nhóm tiếp tục thúc đẩy hoạt động quảng cáo cho các sản phẩm mới, sản phẩm chiến lược, đầu tư mở rộng và phát triển các thị trường mới như Mỹ La Tinh, các nước Ả rập, Châu Phi. Ngoài ra, chi phí khác tăng cao do ghi nhận lỗ từ thanh lý tài sản như máy chủ, linh kiện, phụ tùng và thiết bị công nghệ thông tin, lọai bỏ một số sản phẩm trò chơi không đạt kết quả hoạt động như kế hoạch, dẫn đến sựt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước. 

Có thể bạn quan tâm 

Sắp bán đấu giá hơn 19 triệu cổ phần tại Sơn La Urenco


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới