Hủy
Góc nhìn chuyên gia

Tương lai 3-5 năm tới của ngành quỹ rất khả quan

Ông Nguyễn Phan Dũng, Phó Tổng Giám Đốc Quỹ SSI Thứ Sáu | 05/11/2021 16:55

Ông Nguyễn Phan Dũng, Phó Tổng Giám Đốc Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI. Ảnh: SSIAM

Chỉ riêng trong tháng 9 và tháng 10/2021, đã có tới 6 quỹ thực hiện IPO/thành lập/niêm yết.
 

Ngày càng nhiều quỹ đầu tư đã có sự phát triển ấn tượng những năm gần đây nhưng theo Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM), đây mới chỉ là bước khởi đầu cho một giai đoạn tăng trưởng hơn. Để tìm hiểu thêm về triển vọng ngành quản lý quỹ, NCĐT đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Phan Dũng,  Phó Tổng Giám Đốc Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM )

So với quy mô và tiềm năng thị trường thì sự phát triển của quỹ đầu tư ở Việt Nam hiện nay đã tương xứng chưa, thưa ông?

Nếu nhìn vào tiềm năng, tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt hơn 130% GDP trong khi tổng tài sản quản lý (AUM) của các quỹ đến cuối 2020 mới chỉ đạt hơn 17 tỉ USD, tương ứng với 5,48% GDP. Đây là tỉ lệ còn thấp so với các quốc gia như Ấn Độ 15,4 % (tháng 9/2021), Thái Lan: 28,93% (năm 2017), Malaysia: 31,57% (năm 2017), Trung Quốc: 10,7% (năm 2020).

Bên cạnh đó, giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tập trung nhiều ở các nhà đầu tư cá nhân, chiếm khoảng 80% thanh khoản giao dịch hàng ngày. Vì thế, có thể nhìn sự gia tăng số lượng nhà đầu tư F0 cũng như sự gia tăng về thanh khoản trên TTCK Việt Nam thời gian gần đây là dấu hiệu người dân ngày càng quan tâm đến việc đầu tư thay vì gởi tiết kiệm như trước đây. Chúng tôi tin rằng, khi nền kinh tế quốc gia phát triển, tầng lớp trung lưu gia tăng, thì việc gia tăng nhu cầu đầu tư tích lũy tài sản là điều tất yếu.

 

Trong 3-5 năm tới, tương lai quỹ đầu tư sẽ phát triển ở mức nào?

Dân số Việt Nam hiện khoảng 99 triệu người nhưng mới chỉ khoảng 3,7% dân số có tài khoản giao dịch chứng khoán, tính đến tháng 9.2021 và cũng chỉ khoảng 0,2% dân số (tính đến cuối 2020) có tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ. Số lượng tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ đã tăng khoảng 65%/năm trong 5 năm qua. Vì thế, với diễn biến tích cực của TTCK cùng sự năng động của các Công ty quản lý quỹ trong việc phổ cập các sản phẩm quỹ mới, chúng tôi tin rằng số lượng nhà đầu tư cũng như số tiền đầu tư vào quỹ sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trong những năm tới.

Hiện tại, chỉ riêng trong tháng 9 và tháng 10/2021, đã có tới 6 quỹ thực hiện IPO/thành lập/niêm yết, theo những hình thức rất đa dạng, gồm: quỹ mở cổ phiếu, quỹ mở trái phiếu, quỹ ETF. Với miếng bánh quy mô ngành quỹ ngày một lớn hơn, chúng ta có thể kỳ vọng tương lai 3-5 năm tới của ngành quỹ là rất khả quan. Bên cạnh khung pháp lý đang ngày càng được hoàn thiện, các công ty quản lý quỹ cũng đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng các kênh phân phối để góp phần phổ cập kiến thức cho nhà đầu tư ở một quy mô rộng lớn hơn.

Liệu khả năng huy động vốn quốc tế của các quỹ nội địa có nhiều không?

Nền kinh tế Việt Nam luôn được đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn. Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Nếu như trước đây, việc huy động vốn quốc tế chỉ được coi là ưu thế của các quỹ nước ngoài, thì trong những năm gần đây, các quỹ nội địa đang ngày càng thể hiện tốt khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực này. Bản thân SSIAM cũng là một trong số ít các công ty quản lý quỹ nội địa huy động thành công vốn quốc tế thông qua nhiều sản phẩm đa dạng: quỹ thành viên, quỹ mở, quỹ ETF. Chúng tôi tin rằng, các quỹ nội địa đang dần thu hẹp khoảng cách với các quỹ nước ngoài, đáp ứng được nhiều yêu cầu khắt khe của các nhà đầu tư quốc tế về con người, quản trị, công nghệ... Mặt khác, quỹ nội địa lại có nhiều lợi thế về kiến thức, kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam, mạng lưới đối tác trong nước.

Dù nhà đầu tư nước ngoài đã rút khỏi thị trường khá nhiều trong giai đoạn ảnh hưởng bởi COVID-19 vừa qua nhưng với một nền kinh tế năng động và nhiều tiềm năng như Việt Nam, việc dòng vốn nước ngoài trở lại sẽ là điều sớm muộn. Đặc biệt, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang trong giai đoạn được theo dõi để có thể nâng hạng từ thị trường cận biên trở thành thị trường mới nổi. Chúng tôi tin rằng, khi dòng vốn ngoại trở lại, các quỹ nội địa sẽ có vị thế cao hơn trong việc thu hút vốn đầu tư.

Theo SSIAM, còn sản phẩm nào hấp dẫn mà các quỹ đầu tư chưa đẩy mạnh?

Trên thị trường Việt Nam mới có 7 quỹ ETF nội địa (chưa bao gồm các quỹ đang IPO), trong đó riêng SSIAM đang vận hành 3 quỹ. Tại các thị trường phát triển, sản phẩm ETF rất được nhà đầu tư ưa chuộng nhờ tính đơn giản, chi phí thấp và hiệu quả đầu tư trong dài hạn. Tuy nhiên ở Việt Nam, vẫn còn một số trở ngại khiến các Công ty quản lý quỹ chưa đẩy mạnh sản phẩm này. Thứ nhất, dù có nhiều lợi ích nhưng các quỹ ETF vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mực từ các nhà đầu tư trong nước. Khách hàng của các Quỹ ETF nội đa phần vẫn là nhà đầu tư nước ngoài, nhiều quỹ ETF lớn có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 90%. Thứ hai, số lượng bộ chỉ số chứng khoán còn hạn chế để các công ty quản lý quỹ có thể lựa chọn và mô phỏng chỉ số phù hợp với nhu cầu khách hàng. Thứ ba, chưa nhiều công ty quản lý quỹ trong nước có đủ năng lực/kinh nghiệm để vận hành các quỹ chỉ số một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, Quỹ hưu trí tự nguyện cũng đáng quan tâm. Đây là một loại hình đầu tư được đánh giá như một công cụ hoạch định kế hoạch tài chính thiết thực giúp người lao động tham gia tiết kiệm, đầu tư tích lũy bổ sung thu nhập khi đến tuổi về hưu. Đồng thời cũng là một công cụ có thể giúp các doanh nghiệp vận dụng như một phần của chính sách phúc lợi, thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp đến người lao động và nhằm thu hút gìn giữ nhân tài. Ở các thị trường phát triển trên thế giới, đã từ lâu, các quỹ hưu trí tự nguyện được áp dụng rộng rãi. Ở thị trường Việt Nam hiện nay quỹ hưu trí tự nguyện vẫn còn đang được các doanh nghiệp cân nhắc đắn đo khi phải xét đến các chính sách thuế được khấu trừ cũng như chính sách thuế thu nhập cá nhân. Hiện nay các chính sách này chưa tạo được sự thu hút quan tâm mạnh mẽ từ các doanh nghiệp.

Về phía SSIAM có kế hoạch gì không cho năm 2022 và các năm tiếp theo?

Trong năm 2022, và xa hơn nữa, chúng tôi tiếp tục đặt ra những mục tiêu mới, cao hơn về việc tăng trưởng quy mô, đồng thời duy trì hiệu quả hoạt động kinh doanh. Để đạt được những mục tiêu này, SSIAM sẽ liên tục cải thiện bộ máy, xây dựng hệ thống giao dịch mới hiện đại hơn, chuyên nghiệp hơn, đặt nền móng vững chắc cho việc phân phối sản phẩm ở quy mô lớn hơn, mà vẫn đảm bảo được chất lượng dịch vụ cho khách hàng.

Về mặt sản phẩm, dù đang có dãi sản phẩm đa dạng, chúng tôi vẫn luôn hướng tới hoàn thiện và cập nhật các sản phẩm của mình để đảm bảo khả năng nắm bắt những xu hướng mới của thị trường cũng như nhu cầu liên tục thay đổi của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, SSIAM cũng đề cao chú trọng việc hợp tác với các kênh phân phối để có thể giới thiệu các sản phẩm quỹ đến được với các nhà đầu tư đại chúng nhiều hơn nữa.

Xin chân thành cảm ơn ông!


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới