Hủy
Tài Chính

Nhiệt điện Phả Lại: Tiền đề ngàn tỉ

Vũ Quỳnh Thứ Tư | 06/11/2019 08:00

Với nhiều ưu thế cạnh tranh đặc thù, tổng công suất của nhiệt điện Phả Lại có thể đạt 1.700MW...
 

Thành lập từ năm 1982, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) là 1 trong kiềng 3 chân cơ cấu nguồn điện phía Bắc. Kết thúc quý III, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 1.958 tỉ đồng (tăng 55,4% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế 192,6 tỉ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ). Theo kế hoạch kinh doanh năm 2019, doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 781 tỉ đồng. Theo đó, Nhiệt điện Phả Lại đã vượt 21% chỉ tiêu lợi nhuận trong vòng 9 tháng khi lợi nhuận trước thuế trong kỳ là 947,7 tỉ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào than đá ổn định trong vòng 10 năm.

Với vị thế là nhà máy điện chạy than có công suất lớn nhất cả nước, Nhiệt điện Phả Lại có công suất thiết kế lên đến 1.040MW. Doanh nghiệp này có vị trí kết nối chiến lược các cụm kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Hải Dương.

Theo nhận xét của KIS Securities, với đề án bổ sung thêm quy hoạch Nhiệt điện Phả Lại 3 với tổng công suất 660MW, tổng công suất thiết kế của doanh nghiệp khi đó sẽ lên tới 1.700MW, tạo thành kiềng 3 chân chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu nguồn điện khu vực miền Bắc. “Dự án này được xem như là động lực tăng trưởng trong dài hạn”, báo cáo phân tích của KIS nhận định.

Ngoài ra, nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 3 được ước tính có suất sinh lợi cao hơn nhờ công nghệ hiện đại, tỉ lệ tiêu thụ than ít hơn, cũng như vị trí quan trọng trong trung tâm của cụm các khu công nghiệp và được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng hiện có. Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án ước tính 20.709 tỉ đồng, giá thành sản xuất là trung bình 1.361 đồng/kWh.

Song để vận hành các cụm nhà máy của mình, Nhiệt điện Phả Lại cần phải bảo đảm yếu tố nguyên liệu đầu vào sống còn là than đá, phải luôn được cung cấp ổn định và không gián đoạn. Nhìn lại giai đoạn cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, việc thiếu nguồn nguyên liệu than đã khiến nhiều doanh nghiệp nhiệt điện phải điêu đứng, khi phải tạm dừng phát điện ở một số tổ máy, dù cơn khát điện của nền kinh tế vẫn hiện hữu.

Trên tiền đề đó, hợp đồng cung cấp than dài hạn với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin - TKV) đang trở thành điểm tựa đặc biệt, cũng như điểm bật lợi nhuận cho Nhiệt điện Phả Lại và các doanh nghiệp khác. Theo tìm hiểu của KIS Securities, việc ký kết thành công hợp đồng cung cấp than 10 năm với TKV đã giúp Nhiệt điện Phả Lại đảm bảo việc vận hành được trơn tru và cải thiện hiệu suất hoạt động của nhà máy. Cụ thể, trong năm 2019, TKV cam kết cung cấp 3,5 triệu tấn than cho Nhiệt điện Phả Lại (bao gồm 70% than trong nước và 30% than trộn), đồng nghĩa với việc doanh nghiệp này có thể đảm bảo cả sản lượng điện thương mại của mình ít nhất là 5,3 triệu kWh và đạt hiệu suất vận hành ở mức cao từ 60-72%.

Một lợi thế của đơn vị nhiệt điện này là yếu tố ưu tiên huy động từ Trung tâm Điều độ Điện Quốc gia. Theo trung tâm này, tuy nhu cầu trung bình của miền Nam cao hơn miền Bắc (lần lượt là 13.088MW và 12.414MW trong 9 tháng đầu năm) nhưng phụ tải đỉnh phía Bắc đã vượt xa con số miền Nam gần đây, đạt 18.568MW so với 17.135MW vào tháng 9.2019.

Do phụ tải điện tăng cao, Trung tâm Điều độ Điện Quốc gia ước tính sản lượng phát điện trong năm 2020 của toàn hệ thống năng lượng quốc gia sẽ tăng 8,95% so với năm 2019. Trong đó, Nhiệt điện Phả Lại dự kiến sẽ được huy động tới 6,329 triệu kWh (bao gồm khoảng 9% điện tự dùng). Vì vậy, năm 2020 được kỳ vọng là năm Nhiệt điện Phả Lại sẽ được huy động cao nhất kể từ năm 2015 tới nay.

Theo nhiều chuyên gia, do đặc thù vị trí địa lý tự nhiên, khu vực phía Bắc dường như có ít tiềm năng để phát triển các nguồn năng lượng thay thế như điện gió, điện mặt trời... Trước bối cảnh tiềm lực thủy điện dường như đã được huy động toàn bộ, những nhà máy chạy điện ổn định như Nhiệt điện Phả Lại dường như là lựa chọn tin cậy của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi ngành điện không có nhiều lựa chọn, ít nhất là tại khu vực phía Bắc.

Về mặt khuyến nghị, KIS đưa ra quan điểm tăng tỉ trọng đầu tư với Nhiệt điện Phả Lại, với giá mục tiêu là 30.000 đồng/cổ phiếu trong vòng 1 năm. Các yếu tố dẫn đến điều chỉnh giá gồm: (1) rủi ro chính sách nếu Thông tư 45/2018/TT-BTC được thông qua sẽ ảnh hưởng giá điện; (2) rủi ro thời tiết ảnh hưởng đến sự vận hành ổn định của nhà máy.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới