Hủy
Thế giới

10 thương hiệu đứng trước nguy cơ biến mất vào năm 2013

Thứ Hai | 25/06/2012 15:05

Mỗi năm, tạp chí 24/7 Wall Street lại xác định tên 10 thương hiệu quan trọng của Mỹ có nguy cơ biến mất trong vòng một năm tới.
 

Theo các nhà phân tích, bản danh sách do 24/7 Wall Street đưa ra phản ánh bản chất khốc liệt trong cạnh tranh giữa các ngành công nghiệp cũng như những nguyên nhân vì sao những thương hiệu này không đủ khả năng và bị tụt lại phía sau, từ hiệu quả sử dụng tài nguyên đến tài chính.

Theo các chuyên gia của 24/7 Wall Street, có nhiều tiêu chí để đánh giá năng lực hoạt động và khả năng tồn tại của một thương hiệu. Tuy nhiên các tiêu chí được sử dụng trong bản đánh giá này bao gồm: tốc độ sụt giảm doanh số và thua lỗ, những tiết lộ của công ty mẹ có thể khiến thương hiệu bị ảnh hưởng và sụp đổ, chi phí tăng cao đột biến mà không thể hoàn lại, công ty bị bán, bị phá sản, khách hàng bỏ đi, thị phần bị thu hẹp nhanh chóng.

Mỗi thương hiệu trong danh sách lại gặp phải một hoặc nhiều trong các tiêu chí trên đây.

Dưới đây là 10 thương hiệu có thể sẽ biến mất trong vòng 18 tháng nữa:

1. American Airlines

a

Tháng 11/2011 vừa qua, công ty mẹ AMR của American Airlines đã buộc phải đệ đơn xin phá sản theo quy định của Chương 11 Luật phá sản Mỹ. Mặc dù hãng hàng không Mỹ vẫn tiếp tục hoạt động bình thường như trước kia song phải gánh chịu thêm một số hậu quả từ sự phá sản của công ty mẹ.

Hiện tại, ban giám đốc hãng hàng không có kế hoạch cắt giảm chi phí lao động cùng các khoản nợ dịch vụ và phí thuê máy bay.

Trong tháng 4, hãng hàng không US Airways đã đánh tiếng muốn mua lại tài sản của American Airlines. Tuyên bố trên ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của các công đoàn lao động Mỹ và coi đó là cách khả thi cứu vãn hàng nghìn người khỏi rơi vào cảnh thất nghiệp.

Đầu tháng 5, CEO của US Airways, Doug Parker, tuyên bố sẽ thực hiện sáp nhập hai hãng hàng không. Theo các chuyên gia kinh tế, với khoản tiền khổng lồ mà US Airways đã bỏ ra để mua tài sản của American Airlines, AMR rất khó từ chối lời đề nghị hấp dẫn này.

2. Talbots

a

Trong số các doanh nghiệp bán lẻ bị thiệt hại nặng nền bởi suy thoái kinh tế, cũng như thất bại trong việc thu hút người tiêu dùng bằng các sản phẩm đặc biệt, Talbots hiển nhiên đứng đầu danh sách này.

Công ty Talbots hiện đang có kế hoạch đóng cửa 110 cửa hàng và tìm kiếm một CEO mới để dẫn dắt công ty. Trong quý cuối cùng năm ngoái, lợi nhuận Talbots chỉ đạt 1 triệu USD trong tổng số 275 triệu USD doanh thu. Doanh số hiện tại của công ty cũng chỉ xấp xỉ bằng một nửa so với trước đây. Điều đó cho thấy khách hàng đang dần bỏ rơi Talbots, các nhà kinh tế nhận định.

Mới đây, công ty Sycamore Partners đề nghị mua lại Talbots với giá 2,75 USD/cổ phiếu, tương đương 190 triệu USD. Tuy nhiên, thương vụ này đã bị tạm dừng vì một vài lý do. Theo 24/7 Wall Street, tình trạng bi đát của Talbots chính là lý do khiến Sycamore chùn tay.

3. Current TV

A

Kênh truyền hình Current TV của cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore từng được trao giải thưởng Emmy – giải thưởng danh giá cho những kênh truyền thông xuất sắc biết xây dựng các chương trình truyền hình mang phong cách riêng, tận dụng các ý kiến, ý tưởng của khán giả.

Tuy nhiên, Current TV hiện đang trong tình trạng thoi thóp sau khi tuyên bố sa thải ngôi sao Keith Olberman và thay thế ông bằng một chương trình trò chuyện trực tuyến của Eliot Spitzer. Tuy nhiên, ngay khi chương trình lên sóng, bậc xếp hạng của Spitzer đã giảm tới 70%, công ty đo lường truyền hình Nielsen cho biết. Cùng lúc đó, tờ Hollywood Reporter nhận định: "Việc thay thế Olberman bằng Spitzer đã khiến Current TV mất tới 47.000 khán giả ngay trong ngay lên sóng truyền hình, trong đó có tới 10.000 người ở độ tuổi từ 25-54."

Hãng Reuters cũng cảnh báo lượng khán giả xuống đến mức báo động và hãng truyền hình cáp khổng lồ Time Warner đang dần mất kiên nhẫn với Current TV có thể đặt dấu chấm hết với kênh truyền hình ăn khách hàng đầu nước Mỹ này.

4. Research in Motion (RIM)

a

Theo các chuyên gia, sự ra đời của iPhone cùng các dòng điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android của Google từ các nhà sản xuất lớn như HTC, Samsung và Motorola đã đẩy RIM vào bước đường cùng.

Giai đoạn 2008 đến 2011, doanh thu và thu nhập ròng của RIM tăng từ 6 tỷ USD và 1,3 tỷ USD lên 20 tỷ USD và 3,4 tỷ USD. Tuy nhiên, năm ngoái, hàng loạt tin xấu dồn dập đổ lên hãng điện thoại này như hai lần cảnh báo không đạt doanh thu dự đoán, giám đốc điều hành bị sa thải, cảnh báo lỗ theo quý và kế hoạch sa thải hàng nghìn công nhân.

Năm 2009, thị phần của RIM từng lên tới 44%. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ comScore, thị phần của RIM hiện chưa đến 10%. Giá cổ phiếu của RIM cũng rớt một cách thảm hại từ 144 USD xuống còn 11 USD. Nếu tiếp tục hoạt động theo xu hướng hiện tại, nhiều khả năng thương hiệu BlackBerry huyền thoại sẽ biến mất vĩnh viễn trong thời gian tới.

5. Pacific Sunwear

a

Pacific Sunwear từng là một doanh nghiệp nổi tiếng với những sản phẩm theo phong cách California như kính mát, giày dép và đồ bơi. Tuy nhiên, theo đánh giá mới đây của công ty nghiên cứu GMI Ratings, Pacific Sunwear là một trong những công ty có nguy cơ phá sản cao nhất nước Mỹ. Song điều đó dường như lại không quá bất ngờ với nhiều người.

Năm năm trước, cổ phiếu của Sunwear từng được giao dịch ở mức 23 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên, trong quý I năm nay, doanh thu của công ty đã giảm tới 15 triệu USD còn 174 triệu USD, cổ phiếu cũng giảm còn 1,50 USD/cổ phiếu. Quý IV năm ngoái, tiền mặt của công ty cũng giảm từ 50 triệu USD xuống còn 22 triệu USD.

Theo ban lãnh đạo công ty, sở dĩ công ty ngày một yếu kém là do quy mô quá nhỏ và nằm trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa. Hầu như mọi chuỗi cửa hàng lớn cũng như các nhà bán lẻ trên toàn nước Mỹ đều bán các sản phẩm tương tự như Pacific Sunwear. Trong khi đó, công ty chỉ sở hữu 729 cửa hàng nhỏ. Nhiều người tự hỏi điều gì sẽ xảy đến với nhà bán lẻ này, có thể nó sẽ được mua lại bởi một công ty lớn hơn - hiện vốn hóa thị trường của

Pacific Sunwear chỉ vào khoảng 108 triệu USD. Khi đó, công ty cùng thương hiệu Pacific Sunwear sẽ biến mất vĩnh viễn trên bản đồ kinh doanh của nước Mỹ.

6. Suzuki

a

Trong 5 tháng đầu năm nay, American Suzuki bán được 10.695 xe ô tô và xe tải hạng nhẹ, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2011. Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự sa sút của hãng Suzuki trên đất Mỹ là do những tin đồn không hay về các dòng xe của hãng. Theo khảo sát của JD Power về những dòng xe đáng tin cậy với người tiêu dùng, điểm số dành cho các sản phẩm của Suzuki ở mức vô cùng thấp.

Bên cạnh đó, mức giá của hầu hết các dòng xe của hãng đều ở mức khá cao, gần 20.000 USD đối với xe thường và 25.000 USD đối với xe tải và SUV. Trong khi đó, thị trường Mỹ đang ngập tràn các loại xe giá rẻ với tính năng ưu việt hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn.

7. Salon.com

A

Ra mắt vào năm 1995, Slon.com là một trong những trang web tin tức và bình luận hàng đầu nước Mỹ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nó đã bị lu mờ bởi các trang tin lớn hơn và chất lượng hơn như The Atlantic và Washington Post.

Một trong những dấu hiệu cho thấy Salon sắp bị đóng cửa và biến mất là lần lượt Giám đốc điều hành và giám đốc tài chính của tờ báo phải ra đi trong một thời gian ngắn. Trong quý IV 2011, Salon chỉ thu về 140.000 USD, trong khi đó các khoản nợ mà tờ báo này đang gánh lên tới 12,7 triệu USD.

Trong quý I năm nay, Salon mất 997.000 USD trong tổng số 1,03 triệu USD doanh thu. Mặc dù có nhiều tin đồng rằng John Warnock, đồng sáng lập của Adobe Systems và ngân hàng đầu tư Bill Hambretch sẽ tài trợ cho trang báo này. Nhưng nhiều khả năng trang web sẽ phải đóng cửa trước khi các khoản tiền cứu trợ được đưa đến.

8. Sân bóng bầu dục Oakland Raiders

a

Đội bóng Oakland Raiders được thành lập năm 1960. Raiders từng vô địch giải Super Bowl trong những năm 1976, 1980 và 1983.

Trong thập kỷ trước, ngân sách của đội Raiders ngày một hạn hẹp khiến họ phải rời khỏi sân Oakland, bất chấp việc ban lãnh đạo sân cố gắng thuyết phục đội bóng quay trở lại thi đầu khi đạt được thỏa thuận trị giá 220 triệu USD, nhằm nâng cấp sân vận động theo chuẩn sân mà đội đang thi đấu.

Một trong những nguyên nhân khiến đội chủ sân Oakland rơi vào hoàn cảnh hiện tại là do những sai lầm trong kế hoạch tài chính của những người chủ mới của đội bóng. Người chủ mới của đội Raiders và các cổ đông muốn đội quay trở lại Los Angeles để chơi bóng ở một sân vận động tốt hơn, khi bản hợp đồng với sân Oakland hết hạn. Nếu điều đó xảy ra, cái tên Oakland Raiders sẽ vĩnh viễn biến mất và chỉ tồn tại trong ký ức của người hâm mộ.

9. MetroPCS

a

Hãng viễn thông này đã mất cơ hội cạnh tranh với các đối thủ lớn hơn như T-Mobile, Verizon, Sprint Nextel. Các nhà đầu tư cũng dần rời bỏ công ty, giá cổ phiếu của MetroPCS cũng giảm một cách thảm hại trong 52 tuần qua, từ 17,84 USD/cổ phiếu xuống 5,86 USD/cổ phiếu.

Theo báo cáo của Associated Press, trong quý I, MetroPCS chỉ có thêm 131.654 thuê bao, kết quả quý I tồi tệ nhất của công ty từ trước đến nay. Kết thúc quý I, công ty chỉ có được 9,5 triệu khách hàng. Doanh thu trong quý I của MetroPCS cũng yếu tới mức rất nhiều nhà phân tích chứng khoán quyết định hạ giá cổ phiếu của công ty.

Trong tháng 5, có nhiều tin đồn rằng MetroPCS sẽ bị thâu tóm bởi T-Mobile, công ty truyền thông dưới quyền quản lý của tập đoàn viễn thông châu Âu Deutsche Telekom. Theo các chuyên gia, MetroPSC quá nhỏ để tồn tại như một công ty độc lập. Việc bán lại sẽ giúp công ty duy trì hoạt động và mở rộng trong tương lai, nhưng điều đó đồng nghĩa thương hiệu MetroPCS sẽ biến mất vĩnh viễn.

10. Avon

a

Thật khó để tìm thấy một công ty lớn nào tại nước Mỹ lại rơi vào thảm cảnh như Avon Products. Cuối năm ngoái, giám đốc điều hành của Avon, Adrea Jung, bị sa thải, khiến công ty rơi vào cảnh hỗn loạn và thiệt hại nặng nề.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề cốt lõi đã đẩy Avon tới tình trạng hiện tại là thị trường làm đẹp có tính cạnh tranh rất cao, song những nhà quản lý mới của hãng mỹ phẩm này không tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty.

Nhà phân tích thuộc tạp chí Morningstar, Erin Lash nhận định: "Mặc dù ban lãnh đạo công ty đã đưa ra bản kế hoạch tái cơ cấu chi phí của công ty trị giá 800 triệu USD trong năm tài khóa 2011, song điều đó chỉ mang tính chữa cháy tạm thời chứ không hề thúc đẩy công ty tiến lên phía trước."

Trong tháng 5, công ty nước hoa Coty đã đề nghị mua lại Avon với giá 24,75 USD/cổ phiếu, cao hơn 20% so với mức giá cổ phiếu hiện tại của hãng. Bên cạnh đó, hãng Coty lại có sự hậu thuẫn tài chínhcủa tỷ phú đầu tư Warrent Buffett, nên thật khó để Avon từ chối đề nghị này. Tuy nhiên, sau đó hãng Coty đã rút lại lời đề nghị, khiến cổ phiếu Avon giảm xuống dưới 16 USD/cổ phiếu.

Mặc dù thị trường không còn đặt niềm tin vào Avon, song với thương hiệu và doanh thu của mình, hãng mỹ phẩm này vẫn là mục tiêu sáp nhập lý tưởng của nhiều hãng làm đẹp lớn trên thị trường.

Nguồn 247wallst/DVT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới