Bà Le Pen mới là người thực sự giành chiến thắng ở Pháp?
Vào tối ngày 7/5, Emmanuel Macron bước lên sân khấu trong một buổi lễ sôi nổi ở giữa sân bảo tàng Louvre tại Paris, và cảm ơn hàng ngàn người ủng hộ ông trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp vừa qua. Năm nay mới 39 tuổi, Macron vừa trở thành tổng thống Pháp trẻ nhất lịch sử, và dự kiến sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 14/5.
Vài giờ trước đó, ứng viên Marine Le Pen của phe cực hữu đã lên tiếng thừa nhận thất bại trước đám đông trầm lắng hơn tại một nhà hàng ở phía đông Paris. Sau đó, cả Macron và Le Pen đều tạm thời "biến mất" khỏi radar truyền thông. Cuộc bầu cử cuối cùng đã kết thúc, và ứng cử viên nào cũng có vẻ cạn kiệt sức lực sau nhiều tháng trả lời phỏng vấn, đọc diễn văn, tham gia tranh luận, và dẫn đầu các cuộc mít tinh.
Sáng hôm sau, công việc đầu tiên mà 2 người này nghĩ đến là: một chiến dịch tranh cử mới đang ở phía trước. Vào ngày 11/6 tới đây, cử tri Pháp sẽ lại tập trung vào cuộc bầu cử Quốc hội, và một tuần sau đó là vòng thứ 2 dành cho các khu vực bầu cử nào chưa có ứng viên giành thắng lợi áp đảo – mà gần như là khu vực nào cũng thế.
Thông thường thì đảng của Tổng thống đắc cử sẽ giành đa số hoặc có khả năng chiếm một lượng lớn ghế trong Quốc hội, năm nay mọi chuyện có vẻ rất khác. Lần đầu tiên, hai đảng chính của Pháp là Xã hội và Cộng hòa đã không vào được vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống, và họ đang muốn sử dụng cuộc bỏ phiếu Quốc hội để lấy lại uy thế. Về phía Macron, trước khi thắng cử Tổng thống kỳ này thì ông chưa hề nắm giữ một chức vụ dân cử lần nào. Đảng của ông mới được cách đây hơn một năm, và có rất ít cở sở tại các địa phương để đưa ra người tranh cử và tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri. Ông Dominique Reynié, giáo sư chính trị tại trường đại học Sciences Po, nói: "Thách thức lớn nhất của Macron là giành chiến thắng trong cuộc chiến tại Quốc hội. Nếu không giành được đa số, quyền lực của một vị tổng thống sẽ là rất hạn chế."
1 ngày sau cuộc bầu cử, đảng của Macron cho biết sẽ thay đổi tên từ "Tiến bước" (En Marche!) thành "Tiến bước cho nền Cộng hòa" (La République en Marche!) ngụ ý rằng rằng đảng này không còn phục vụ cho cá nhân người sáng lập của nó. Ông Macron đã thề cạnh tranh cho từng chiếc ghế trong 577 ghế tại quốc hội Pháp, và đảng của ông đã tuyên bố sẽ công bố danh sách ứng viên đầy đủ vào ngày 11/5.
Trước vòng 2 của cuộc bầu cử tổng thống Pháp, nhóm thăm dò OpinionWay SAS đã xuất bản một khảo sát cho thấy đảng của Macron sẽ rơi vào tình trạng không giành được đa số tại quốc hội, vì vậy ông có lẽ cần phải thành lập một liên minh với một trong với Đảng Cộng hòa (trung hữu) hoặc là Đảng Xã hội (trung tả). Một cuộc thăm dò của Ipsos vào ngày 8/5 cho thấy 61% cử tri không muốn Macron chiếm đa số trong Quốc hội, vì phần lớn sự ủng hộ mà ông nhận được ở vòng hai là vì họ không muốn bầu cho bà Le Pen hơn là bị thuyết phục bởi các kế hoạch của ông. Ông Jérôme Fourquet, người đứng đầu bộ phận thẩm định tại phòng phiếu Ifop SA, nói: "Tôi không thấy có sự nổi lên rõ rệt của một nhóm đa số nào. Chúng ta có thể phải đối mặt với một chính quyền chia rẽ và không thể điều hành được".
Mặc dù thua ông Macron tới 30% số phiếu bầu, bà Le Pen đã giành được hơn 10 triệu phiếu bầu, đó là kết quả tốt nhất của đảng Mặt trận Dân tộc (FN) từ trước đến nay. Trong bài phát biểu chấp nhận thua cuộc, bà Le Pen nói rằng nước Pháp đã trải qua "một sự tái định hình đời sống chính trị", biến đảng FN trở thành đảng đối lập chính. Điều đó có thể là một sự cường điệu, vì đảng này hiện chỉ có hai ghế trong Quốc hội, và dường như vẫn không có đủ sự ủng hộ để giành quyền lực thực sự: Ipsos dự kiến đảng này sẽ chỉ giành tối đa 24 ghế tại quốc hội. Sự thay đổi lớn nhất ở đây là mặc dù có nguồn gốc phân biệt chủng tộc và bài Do Thái, đảng này đã không còn bị xem là "ngoài rìa". Một đảng viên FN là Franck Briffaut, hiện là thị trưởng của thị trấn 10.000 dân Villers-Cotterêts ở gần Paris, cho biết: "Chúng tôi đã vào đến vòng thứ hai. Đó là một chiến thắng".
Phân chia ghế tại quốc hội Pháp: màu đen là Đảng Xã hội, màu trắng là đảng Công hòa. Để giành được đa số tại Quốc hội, một chính đảng phải giành được 289/577 ghế, nhiều khả năng là phải thông qua liên minh. Ảnh: Bloomberg |
Những người phản đối đảng FN than phiền rằng nếu ông Macron không thể đưa ra những thay đổi to lớn, thất bại trong năm nay có thể chỉ là một cú vấp nhỏ trên con đường trở thành tổng thống của bà Le Pen vào năm 2022, nếu bà vẫn giữ được vị trí lãnh đạo đảng tới thời điểm đó.
Mặc dù nhiều cử tri Pháp đã từ chối Le Pen vì cho rằng bà quá cực đoan, những người ủng hộ nòng cốt của FN lại cho rằng bà vẫn không đủ mạnh mẽ và đã đặt câu hỏi về quyết định của Le Pen khi tranh cử dựa trên lá bài chống Liên minh Châu Âu, thay vì tập trung vào các mục tiêu truyền thống của đảng FN là xiết chặt nhập cư và an ninh. Mặc dù hiện tại bà Le Pen chưa phải đối mặt với một thách thức nào rõ ràng, nhiều thành viên hoài cổ của đảng đã cho biết họ muốn trở lại với một FN trước đây, khi đảng này còn được dẫn dắt bởi cha của bà Le Pen là ông Jean-Marie Le Pen.
"Chủ nghĩa khủng bố, tình trạng thất nghiệp, rồi việc ông Trump trở thành tổng thống Mỹ - thời thế rất thuận lợi", Jean-François Touzé, cựu quan chức cao cấp của Đảng FN bình luận. Kết quả là FN lại nhận được "một sự thất bại hoàn toàn", theo Touzé.
Macron là một người ủng hộ EU cực kỳ nhiệt tình, đối chọi với chủ nghĩa dân tộc của bà Le Pen cũng như ý định rời bỏ đồng euro của bà. Với tỷ lệ thất nghiệp cả nước ở mức 10%, và thất nghiệp trong giới thanh thiếu niên gấp đôi con số này, Macron hiểu rằng ông phải đưa ra nhiều giải pháp cho nền kinh tế Pháp. Để giải quyết tình trạng này, Macron đã đề xuất cắt giảm thuế doanh nghiệp từ mức 33%x hiện nay xuống mức trung bình của Châu Âu là 25%; tạo điều kiện cho việc sa thải và tuyển dụng trở nên dễ dàng hơn; nới lỏng các quy tắc thương lượng tập thể; và làm cho mạng lưới an sinh xã hội và hệ thống lương hưu trở nên công bằng hơn. Những người bầu cho bà Le Pen "đã bày tỏ sự tức giận của mình," Macron nói với đám đông tại Louvre vào đêm thắng cử. "Tôi sẽ làm tất cả mọi thứ trong 5 năm tới để đảm bảo không có lý do gì để bỏ phiếu cho những người cực đoan."
Một số đảng viên có uy tín của đảng Cộng hòa và đảng Xã hội đã bày tỏ sự quan tâm đến đảng của ông Macron, và đảng Xã hội đã cho biết họ sẽ sẵn sàng thành lập liên minh với tổng thống mới. Ngược lại, những người Cộng hòa nhấn mạnh rằng họ có thể giành được đa số tuyệt đối (tại Quốc hội), cho phép họ bổ nhiệm thủ tướng và hạn chế khả năng ban hành các chương trình chính sách của ông Macron. Ông Macron cũng cho biết đảng của ông có thể giành đa số, và ông vẫn chưa cho biết liệu ông có chấp nhận một liên minh với bất cứ ai hay không.
Hiện tại, ông Macron gần như chắc chắn sẽ chấp nhận một liên minh, theo đánh giá của ông Nicolas Lebourg, một nhà nghiên cứu về chính trị tại Đại học Montpellier. Theo ông Lebourg, ông Macron hiểu rằng ông phải đẩy mạnh các chương trình của mình, hoặc phải đối mặt nguy cơ cử tri quay sang ủng hộ bà Le Pen hay một người theo chủ nghĩa dân túy nào khác, và chính Macron vẫn thường gợi ý rằng ông để ngỏ khả năng hợp tác.
Lebourg bình luận: "Đó là hàm ý đằng sau tất cả những lời nói của Macron về việc thu hút những người tốt nhất và ý tưởng từ cả 2 phe cánh tả và cánh hữu. Người Pháp sẽ không nhất thiết phản đối một chính phủ gồm toàn những nhà kỹ trị theo đường lối phi chính trị".
Bá Ước
Nguồn Bloomberg
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Lam Ngọc