GSK thêm tai tiếng vì scandal băng sex
Đoạn băng này đã được quay lén và gửi qua email đến vài lãnh đạo của GSK tháng 3 năm ngoái. Kèm theo là những cáo buộc chi tiết về hoạt động kinh doanh và marketing được người gửi gọi là "hối lộ tràn lan", theo Sunday Times. Đây cũng là tờ báo đầu tiên công bố về sự tồn tại của video này cuối tuần trước.
GSK sau đó đã ủy quyền cho ông Reilly thuê Peter Humphrey điều tra nguồn gốc đoạn video này. Tuy nhiên, Humphrey cũng không thể tìm ra người đã đặt camera trong phòng ngủ của Reilly. Thậm chí, tháng 8 năm ngoái, ông này và vợ - Yu Yingzeng còn bị giới chức Trung Quốc bắt giữ vì lấy dữ liệu từ các hãng nghiên cứu để bán thông tin cá nhân cho khách hàng.
Sau đó vài ngày, cảnh sát Trung Quốc bắt đầu điều tra hoạt động của GSK. Phát ngôn viên của GSK tại London thừa nhận sự tồn tại của video này, nhưng từ chối bình luận về mối liên hệ giữa việc này và scandal hối lộ.
GSK bị cáo buộc sử dụng các đại lý du lịch và hãng tư vấn để hối lộ 3 tỷ NDT (489 triệu USD) cho quan chức bệnh viện từ năm 2007. Đến nay, cuộc điều tra đã có dính dáng đến 4 lãnh đạo GSK tại Trung Quốc.
Reilly được cho là ra lệnh cho nhân viên hối lộ bệnh viện để họ sử dụng sản phẩm của GSK. Ông đã từ chức từ năm ngoái khi cuộc điều tra mới được tiến hành. Nếu bị kết tội, Reilly có thể sẽ phải ngồi tù hàng chục năm, Reuters cho biết.
Từ năm ngoái, hãng này đã dính hàng loạt nghi án hối lộ tại Trung Quốc, Iraq và Ba Lan. Vì việc này, doanh thu của họ tại Trung Quốc đã sụt giảm đáng kể do khách hàng ngần ngại làm ăn với GSK. Bản thân hãng này cũng phải cải tổ mô hình kinh doanh và marketing hiện tại.
GSK từng lên tiếng xin lỗi vì không kiểm soát được hoạt động của nhân viên, nhưng không thừa nhận số tiền hối lộ lớn như vậy. Hồi tháng 5, Văn phòng Cơ quan Điều tra gian lận nghiêm trọng Anh (SFO) cũng cho biết sẽ điều tra "các hoạt động thương mại" của GSK. Khi đó, hãng đã từ chối bình luận liệu tuyên bố của SFO có liên quan đến các scandal gần đây hay không.
BBC thì cho rằng với những người đã quan sát môi trường kinh doanh tại Trung Quốc nhiều năm nay, scandal mới nhất của GSK cũng chẳng làm họ quá ngạc nhiên. Việc quay lại các đoạn phim thân mật của giới kinh doanh hay chính trị gia đã trở nên phổ biến. Động cơ thường là để cảnh báo, hăm dọa tống tiền hoặc trả thù.
Chính trị trong các công ty Trung Quốc cũng như rất nhiều quốc gia khác. Thậm chí theo một số người là còn hơn, do văn hóa "bằng mặt" của nước này khiến các cuộc ganh đua ngầm càng trở nên quyết liệt.
Mà ở các công ty đa quốc gia, đây là vấn đề đặc biệt rõ. Lớp lãnh đạo phương Tây ít ỏi khó có thể điều hành công ty trong môi trường nhiều nguyên tắc ngầm như Trung Quốc. Khi scandal hối lộ xảy ra, GSK có 3 cá nhân không phải người Trung Quốc trong đội ngũ lãnh đạo.
Mark Reilly – Giám đốc GSK Trung Quốc được một người quen mô tả là "phải chịu áp lực doanh số rất lớn", không biết tiếng Trung Quốc và chỉ là "một người nước ngoài vô tội". Ông phải quản lý một công ty có 8.000 nhân viên tại đây.
Trong scandal hối lộ, Giám đốc phụ trách quan hệ Chính phủ - Vivien Shi là người bị tình nghi. Cuối năm 2012, Shi rời công ty. Đầu năm 2013, nhiều email nặc danh tố cáo hoạt động của GSK Trung Quốc được gửi đến trụ sở của hãng tại Anh. Và đến tháng 3 là đoạn video của Reilly và cô bồ Trung Quốc. Tuy nhiên, bà phủ nhận có bất kỳ liên quan nào đến các sự việc trên.
Bên cạnh đó, sự việc GSK cũng bị phanh phui trong bối cảnh Chính phủ mới của Trung Quốc mạnh tay tổ chức các chiến dịch chống tham nhũng. Sai phạm tại ngành y tế là một trong các mục tiêu chính của chiến dịch.
Trên BBC, một nhà quan sát cho biết trường hợp của GSK là chưa từng có tiền lệ tại Trung Quốc. Nhưng nó có vẻ giống hồi chuông cảnh báo hơn là việc chỉ xảy ra một lần. "Cuộc chơi đang thay đổi và những người nước ngoài đang thiệt hại ngoài dự kiến", người này cho biết.
Nguồn VnExpress
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư