Hủy
Thế giới

IMF: USD tăng, dầu mất giá chi phối tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Thứ Tư | 15/04/2015 10:02

Đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu một mặt được thúc đẩy bởi giá dầu giảm,song lại bị kìm hãm bởi biến động tỷ giá.
 

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (WEO) mới cập nhật, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, kinh tế toàn cầu sẽ vẫn tăng trưởng ở mức trung bình trong giai đoạn 2015 - 2016 với sự không đồng đều giữa các các quốc gia và vùng lãnh thổ lớn.

Theo đó, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở 3,5% trong năm 2015 và 3,8% trong năm 2016. Trong đó, các nền kinh tế phát triển dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong khi khối thị trường mới nổi có xu hướng suy yếu.

Giám đốc nghiên cứu kinh tế của IMF - ông Olivier Blanchard nhận định, kinh tế thế giới đang bị định hình bởi nhiều yếu tố phức tạp. Những hậu quả từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và khủng hoảng của Eurozone - lĩnh vực ngân hàng suy yếu; nợ công, doanh nghiệp và hộ giao đình tăng cao - vẫn ảnh hưởng tới tình hình chi tiêu và tăng trưởng của một số quốc gia.

Theo ông Blanchard, các quốc gia phát triển và mới nổi tăng trưởng trì trệ một phần khác do tình trạng già hóa dân số nhanh, đầu tư suy yếu và sản lượng sản xuất sụt giảm.

Tuy nhiên, 2 yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong giai đoạn 2015 - 2016 vẫn là đà lao dốc của giá dầu và những biến động trong tỷ giá.

Các nền kinh tế phát triển sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn

Theo WEO, đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm 2015 chủ yếu được bù đắp bởi sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển với dự báo GDP chung tăng lên 2,4%.

Mặc dù IMF hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ xuống 3,1% trong giai đoạn 2015 - 2016 nhưng đây vẫn là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong số các nước phát triển. Động lực chủ yếu của kinh tế Mỹ là giá dầu thấp, điều tiết tài chính ở mức vừa phải và giữ vững lập trường thắt chặt chính sách tiền tệ bất chấp đà tăng giá của USD đang cản trở xuất khẩu.

Trong khi đó, Nhật Bản và Eurozone đều được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn. IMF nâng dự báo GDP Nhật Bản năm 2015 và 2016 lần lượt lên 1% và 1,2% và GDP Eurozone trong cùng kỳ lần lượt lên 1,5% và 1,6%.

Khối thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển sẽ tăng trưởng chậm lại

Dự báo tăng trưởng đối với hầu hết các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đều bị hạ thấp với GDP chung giảm xuống 4,3% trong năm 2015 từ mức 4,6% của năm 2014.

Đáng chú ý IMF cho rằng, năm 2015 kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng vượt Trung Quốc lần đầu tiên kể từ năm 1999 khi nâng dự báo GDP thêm 1,2 điểm % lên 7,5% trong năm 2015 - 2016 trong khi giữ nguyên dự báo của Trung Quốc (6,8% trong năm 2015 và giảm về 6,3% trong năm tiếp theo).

Kinh tế Ấn Độ ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhờ những cải cách chính sách của Thủ tướng Narendra Modi, đầu tư doanh nghiệp tăng trưởng mạnh và giá dầu thấp, IMF cho biết.

Ngược lại, Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại do khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, tín dụng và đầu tư.

Cũng trong khối BRICS, kinh tế Nga dự báo sẽ suy thoái sâu khi IMF đồng hạ triển vọng tăng trưởng giai đoạn 2015 - 2016. Theo đó, GDP Nga sẽ lần lượt giảm 3,8% trong năm 2015 và 1,1% trong năm tiếp theo, do ảnh hưởng của giá dầu thấp và đòn trừng phạt của phương Tây.

Đối với khối ASEAN, tăng trưởng GDP chung dự báo sẽ dần tăng lên 5,2% trong năm 2015 và 5,3% trong năm 2016 từ mức 4,6% của năm ngoái. Trong đó, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2015 trước khi chậm lại 5,8% trong năm tiếp theo.

Rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu

IMF cho biết, những rủi ro đối với triển vọng kinh tế toàn cầu dần cân bằng hơn so với 6 tháng trước. Những rủi ro kinh tế vĩ mô (suy thoái, giảm phát) có phần giảm nhẹ nhưng rủi ro về tài chính (giá USD và các tài sản khác tăng mạnh) và địa chính trị (tại Ukraine, Trung Đông, Tây Phi) vẫn tăng cao.

Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu sẽ được hỗ trợ lớn bởi đà lao dốc của giá dầu, theo IMF.

Nguồn DVO/ IMF


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới