Hủy
Thế giới

Nhật thâm hụt thương mại kỷ lục, vượt mốc 3.000 tỉ yên

Hải Miên Thứ Ba | 21/02/2023 13:46

Giá trị các chuyến hàng đến Trung Quốc đã giảm 17,1% trong tháng 1, do xuất khẩu ô tô, phụ tùng ô tô và máy móc chip giảm. Ảnh: Reuters.

Tăng trưởng xuất khẩu tháng 1 của Nhật giảm mạnh còn 3,5%, với thiết bị sản xuất chip nằm trong số sản phẩm giảm sâu nhất.
 

Thâm hụt thương mại của Nhật đã tăng lên mức kỷ lục vào tháng 1, do các yếu tố tác động dồn dập bao gồm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại Trung Quốc kéo dài khiến xuất khẩu giảm trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chậm lại.

Theo Bộ tài chính Nhật, thâm hụt thương mại đã tăng từ mức 1.450 tỉ yên trong tháng 12 lên 3.500 tỉ yên (26,1 tỉ USD) trong tháng 1, lần cuối cùng thương mại Nhật cán mốc 3.000 tỉ yên là từ cuối những năm 1970. Mức thâm hụt này vượt xa kỷ lục trước đó là 2.820 tỉ USD, dù ít hơn mức dự báo của giới phân tích là thâm hụt 3.980 tỉ yên.

Tăng trưởng xuất khẩu tháng 1 của Nhật giảm mạnh còn 3,5%, với thiết bị sản xuất chip nằm trong số sản phẩm giảm sâu nhất, một dấu hiệu cho thấy nhu cầu của lĩnh vực công nghệ toàn cầu đang suy yếu. Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 17,1%, một phần do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài; xuất khẩu sang 2 thị trường Mỹ và châu Âu cùng giảm tốc, ghi nhận mức tăng tương ứng 10,2% và 9,5%. Trong khi đó, nhập khẩu tiếp tục cho thấy mức tăng 2 chữ số 17,8% so với một năm trước.

 

Mức thâm hụt kỷ lục tạo ra sự ảm đạm bao phủ nền kinh tế Nhật, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới chật vật lấy lại đà hồi phục sau một khoảng thời gian bị ảnh hưởng bất lợi bởi sự trượt giá mạnh của đồng yên và giá dầu tăng cao.

Việc Trung Quốc bất ngờ từ bỏ chính sách Zero Covid cũng gây ra một cú sốc đối với xuất khẩu của Nhật sang nước này, vì số ca nhiễm mới COVID-19 ở Trung Quốc đã tăng vọt sau khi các hạn chế chống dịch được dỡ bỏ. Trung Quốc và các nước châu Á khác chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật.

Dữ liệu cũng cho thấy tỉ giá hối đoái trung bình trong tháng trước là 132,08 yên đổi 1 USD, yếu hơn 15% so với một năm trước đó. Mặc dù đồng yên yếu hơn và giá dầu cao hơn, 2 yếu tố chính đằng sau tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài - đã giảm bớt so với mức đỉnh của năm ngoái, nhưng tác động của chúng dường như vẫn còn kéo dài.

Lạm phát trên toàn nước Nhật đã đạt mức cao nhất trong vòng 41 năm vào tháng 12, ăn mòn sức mua của người tiêu dùng.

Có thể bạn quan tâm:

 Tại sao nước phát minh ra ChatGPT không phải là Trung Quốc?

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới