Hủy
Công Nghệ

5G vẫn loay hoay ở vạch xuất phát

Hải Vân Thứ Tư | 30/10/2019 16:00

Ảnh: QH

Còn quá nhiều trở ngại trước khi các nhà khai thác viễn thông việt nam có thêm 300 triệu USD hằng năm từ 5G.
 

Khi các nhà khai thác viễn thông sẵn sàng triển khai dịch vụ 5G, họ có khả năng đầu tư khoảng 10 tỉ USD vào cơ sở hạ tầng 5G của khu vực vào năm 2025. Việc triển khai các dịch vụ 5G có thể giúp gia tăng doanh thu hằng năm của các công ty khai thác viễn thông Việt Nam lên đến hơn 300 triệu USD kể từ năm 2025, theo nghiên cứu mới nhất của Công ty Tư vấn A.T. Kearney.

“Việc ứng dụng triển khai dịch vụ 5G đang ở thời điểm chín muồi đối với các nhà khai thác viễn thông trên thị trường doanh nghiệp”, ông Naveen Menon, Chủ tịch Tập đoàn Cisco khu vực ASEAN, nhận định.

 

Thế nhưng, để có được doanh thu 300 triệu USD trong tương lai, theo Cisco, các nhà mạng phải đầu tư đáng kể trước khi khuyến khích và chuyển người dùng sang mạng tốc độ cao. Một thực tế, ngay với các nhà mạng có khả năng đầu tư làm 5G, hạ tầng viễn thông vẫn là yếu tố cần tính đến. Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng ban Chiến lược Tập đoàn Viettel, viễn thông có hạ tầng vật lý và hạ tầng phi vật lý. Hạ tầng vật lý bao gồm phần kết nối, truyền tải, các mạng cáp quang với các mạng 3G, 4G, 5G đóng vai trò then chốt. Phần hạ tầng này trước đây chủ yếu do doanh nghiệp viễn thông triển khai, nhưng hiện nay các khu công nghiệp, các khu chung cư đều tham gia, chiếm khoảng 70-80%. Trong khi đó, việc phát triển hạ tầng phi vật lý vẫn quá chú trọng pháp lý, chưa xây dựng được văn hóa chấp nhận cái mới, chấp nhận rủi ro, thậm chí thất bại, trong khi đó là điều kiện quan trọng để phát triển được các ý tưởng mới.

Việt Nam sẽ có 6 triệu thuê bao 5G trên tổng số 200 triệu thuê bao của ASEAN, theo dự tính của A.T. Kearney, một con số khá cao cho thấy tiềm năng là rất lớn. Bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam, cho biết, 5G đang nhắm vào ngành sản xuất và chế tạo áp dụng IoT (Internet vạn vật) của Việt Nam để có thể thúc đẩy và đổi mới ngành chế tạo, bao gồm các hoạt động quản lý từ xa, quản lý sản xuất, quản lý tài sản, theo dõi, kiểm soát, đáp ứng... Thời điểm bắt đầu triển khai 5G, tỉ lệ thâm nhập thị trường của Việt Nam có thể thấp hơn một số nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, nhưng Cisco dự kiến tốc độ tăng trưởng tại Việt Nam sẽ nhanh hơn các nước khác.

 

Bà Thủy dẫn chứng ứng dụng 5G vào quản lý quy trình tự động, sẽ mang lại 2 hiệu quả chính. Một là 5G bảo đảm tốc độ nhanh hơn mạng WLAN, loại hình sử dụng nhiều dây cáp, nhất là với các doanh nghiệp có quy mô lớn. Hai là 5G - nền tảng, yếu tố cốt lõi để triển khai trí tuệ nhân tạo (A.I) và Robotic. Dựa trên những hiện tượng quan sát được, robot có thể đưa ra quyết định dựa trên những kết nối với máy tính và bộ nhớ rất tốt. Với 5G, doanh nghiệp có thể triển khai một hệ thống robotics gọn nhẹ hơn nhiều, không còn cồng kềnh như ngày nay. Ví dụ, SKT tại Hàn Quốc đang phát triển những ứng dụng này và kết hợp với các đối tác khác trong hệ sinh thái của Công ty.

Cisco trong các chương trình đổi mới đã đưa ra 3 lĩnh vực để giúp các nhà khai thác mạng kiếm tiền và tiết kiệm tiền. Thứ nhất, triển khai 5G sẽ giúp nhà mạng đơn giản hóa mạng lưới của họ hoặc tự động hóa một phần rất lớn các mạng lưới của họ. Thông qua đó, các công ty viễn thông có thể vượt qua được độ phức tạp của hệ thống như vừa mô tả.

 

Viễn cảnh đạt doanh thu 300 triệu USD có thể là động lực để các nhà mạng triển khai 5G nhưng trên thực tế, chưa có nhiều doanh nghiệp mặn mà với ứng dụng 5G trong sản xuất. Ông BT Tee, Tổng Giám đốc Công ty Informa Markets Vietnam, nói rằng “chưa quan tâm đến 5G”. Doanh nghiệp vẫn sử dụng đường truyền cố định để kết nối máy với máy móc, thiết bị, chỉ một số doanh nghiệp dùng WLAN, mạng wifi tốc độ cao. Ông nói việc phát triển 5G sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên mức cao hơn. Có thể phải mất vài năm mới phát triển được 5G trong sản xuất công nghiệp tại Việt Nam.

Quá nhiều thách thức để đạt được doanh thu 300 triệu USD vào năm 2025, các nhà khai thác mạng tại Việt Nam đang thực hiện các bước cần thiết để chuẩn bị cho việc triển khai 5G trong khung thời gian năm 2021. Viettel đã thực hiện bản dùng thử 5G với Ericsson vào ngày 10.5.2019. MobiFone và VNPT cũng lên kế hoạch thử nghiệm vào cuối năm nay. Ngoài ra, các mạng 4G có thể nâng cấp lên 5G để việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm chi phí.

Ông Denis Brunetti, Chủ tịch phụ trách Hoạt động kinh doanh của Ericsson tại các thị trường Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, nói rằng: “Điều quan trọng bây giờ là sớm phát hành phổ 5G và cấp giấy phép cho các nhà khai thác di động”.

Việc phát hành phổ là chìa khóa quan trọng để triển khai các băng tần 2.600MHZ, 3,5GHZ, 28GHZ và 700MHZ cho mạng 5G tại Việt Nam, theo Denis. Trong viễn thông, phổ tần số và dữ liệu được ví như loại dầu mới cung cấp năng lượng cho “động cơ” internet thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội và tăng trưởng GDP, giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị triển khai 5G, các nhà khai thác nền tảng 4G cần tiếp tục mở rộng dung lượng và vùng phủ để cải thiện hiệu suất mạng hiện tại. Các nhà khai thác mạng 4G cũng có thể nâng cấp nền tảng lên 5G. Đối với các nhà mạng sử dụng thiết bị 4G của Ericsson, Hãng sẵn sàng hỗ trợ nâng cấp phần mềm lên 5G.

Đến thời điểm này, theo ông Denis Brunetti, chưa hẳn đã có một cuộc đua giành thị phần dịch vụ mạng 5G tại Việt Nam. Nhưng ông tin rằng dịch vụ 5G sẽ phát triển tại Việt Nam sau khi các nhà khai thác triển khai dịch vụ. Hy vọng điều này sẽ có trong giai đoạn năm 2021. 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới