Hủy
Công Nghệ

Hành trình đi tìm điểm cân bằng của Koina

Huy Vũ Thứ Sáu | 28/01/2022 08:00

Chợ nông sản tại TP.HCM.

Koina có thể cắt giảm ít nhất 30% các chi phí kém hiệu quả, thất thoát trong toàn chuỗi giá trị nông sản hiện tại.
 

Theo báo cáo của Euromonitor, MarketLine và Economic Intelligent Unit (EIU) năm 2020, giá trị thị trường nông sản Việt Nam tăng trưởng kép 12,8% giai đoạn 2016-2020, từ 36,1 tỉ USD lên 58,5 tỉ USD. Mặc dù vậy, số lượng startup tham gia lĩnh vực nông nghiệp không nhiều, số lượng được đầu tư đến hàng chục triệu USD lại càng hiếm. Những startup như Foodmap, MimosaTEK, Hachi, Sero.ai, Naturally Việt Nam... phần lớn tập trung vào phần cứng và giống, chỉ có Foodmap hướng đến việc cung cấp giải pháp bán hàng cho các doanh nghiệp nông sản.

Thành lập năm 2021, trong lúc COVID-19 lần thứ 4 diễn ra ở Việt Nam, Koina là startup mới nhất tham gia lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam. Koina chọn cách tham gia sâu hơn, giải quyết nhiều bài toán của cả chuỗi giá trị nông nghiệp, từ đầu vào, canh tác cho đến phân phối đầu ra, tận dụng thế mạnh về công nghệ và vận hành chuỗi cung ứng. “Tập trung giải quyết trước tiên đảm bảo đầu ra cho nông dân và đối tác. Ngành nông nghiệp rất phân mảnh, bài toán phải giải là ổn định đầu ra cho nông dân”, anh Nguyễn Trần Thi, sáng lập Koina, cho biết. 

abc
Koina cung cấp giải pháp kho bãi cho nhóm thu mua và dùng công nghệ để kết nối  đến thương lái. Ảnh: Quý Hoà

Cụ thể, với nhóm thu mua, hiện nay chủ yếu là các hoạt động nhỏ và thủ công, có người thuê thì tới thu hoạch nên không có khả năng xây dựng kho để phân loại hay sắp xếp hàng hóa nếu có hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Điều này dẫn đến tăng chi phí do thất thoát hàng hóa gây ra.

Với nhóm thương lái đầu cuối, tài chính là bài toán nan giải nhất. Hạn chế về vốn khiến nhóm này không thể mở rộng danh mục sản phẩm hoặc tăng số lượng hàng nhập khẩu. Trong khi đó, thị trường thiếu các giải pháp vay ngắn hạn và nếu có, cũng không nhiều thương lái tham gia vì khó cân đối tài chính.

Koina cung cấp giải pháp kho bãi cho nhóm thu mua và dùng công nghệ để kết nối  đến thương lái giúp họ đặt hàng trực tiếp từ trong kho với số lượng linh hoạt, tương tự mô hình Dropshipping. “Chúng tôi đặt mọi người vào đúng vị trí của mình, nông dân yên tâm canh tác và tăng năng suất, người thu mua lo việc thu mua và thương lái lo việc kinh doanh”, anh Thi cho biết. Hiện tại, Koina vẫn chưa có nhà đầu tư và được tài trợ bởi nhóm đồng sáng lập - đều là nhân sự cấp cao từ các tập đoàn lớn.

Nguyễn Trần Thi sinh năm 1989, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM ngành công nghệ máy tính, lớp tài năng. Anh khá quen thuộc với cộng đồng startup ở Việt Nam và thuộc nhóm đầu tiên gia nhập trào lưu khởi nghiệp công nghệ cách đây 10 năm. Năm 2012, anh Thi là 1 trong 7 người lập nên Giao Hàng Nhanh (thuộc hệ sinh thái Seedcom). Sau 7 năm, anh rời vị trí Tổng Giám đốc Giao Hàng Nhanh và gia nhập đội ngũ sáng lập One Mount Group, trực thuộc Vingroup - phụ trách xây dựng chuỗi cung ứng kiểu mới.

Gần một thập kỷ qua, dù thay đổi công ty nhưng nhiệm vụ chính của anh vẫn là sử dụng công nghệ để giải quyết bài toán chuỗi cung ứng cho hàng hóa cơ bản, điểm khác biệt là với quy mô ngày càng lớn hơn. Anh Thi hiểu rõ việc ứng dụng công nghệ đã tác động tích cực đến người lao động. Với lĩnh vực nông nghiệp, anh kỳ vọng công nghệ sẽ thực hiện điều tương tự cho hơn 30 triệu nông dân. Một thử thách không chỉ cho Koina mà cho cả chính bản thân anh.

Ở Việt Nam, giá trị mặt hàng nông sản vẫn là điểm sáng, với tốc độ tăng trưởng kép 12,8% giai đoạn 2021-2025, từ 58,5 tỉ USD lên hơn 100 tỉ USD. Hàng nông sản tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn trong thị trường bán lẻ nội địa với hơn 40%.

“Koina” trong tiếng Hawaii có nghĩa là “cân bằng”. Mục tiêu cuối cùng của Công ty là đem lại lợi ích công bằng cho các thành phần tham gia, trong đó quan trọng nhất là nâng cao thu nhập người nông dân, đảm bảo sự phát triển bền vững. Nhiều startup giải quyết bằng cách nâng cao giá trị sản phẩm đầu ra nhưng Thi lại chọn cách làm ngược lại và cũng là điều mà anh có nhiều kinh nghiệm nhất: hạn chế thất thoát trong quá trình vận chuyển, bán hàng.

Nguyễn Trần Thi cho rằng, Koina có thể cắt giảm ít nhất 30% các chi phí kém hiệu quả, thất thoát trong toàn chuỗi giá trị nông sản hiện tại, từ đó sẽ giảm 10% giá thành sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng, tăng 10% thu nhập cho nông dân. “10% còn lại sẽ được dùng để tiếp tục đầu tư liên tục vào công nghệ để sản phẩm chất lượng hơn và tối ưu hơn, lúc đó tất cả các thành phần tham gia đều sẽ có lợi”, anh Thi nói


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới