Hủy
Công Nghệ

Hình sự hóa khởi nghiệp: Có nên không?

Thứ Hai | 20/06/2016 12:30

Việc hình sự hóa các dịch vụ số chưa được cấp phép có thể trở thành rào cản lớn đối với sự sáng tạo của giới công nghệ.
 

Khi các công ty khởi nghiệp còn chưa kịp vui với tin dự án sàn huy động vốn khởi nghiệp thì họ lại lo về quy định mới trong Bộ Luật Hình sự 2015 áp dụng từ ngày 1.7. Đặc biệt là Điều 292 sẽ hình sự hóa một số dịch vụ như sàn giao dịch thương mại điện tử, trung gian thanh toán điện tử, trò chơi điện tử, và các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông...

Mức phạt cao nhất là phạt tiền từ 1,5 tỉ đồng đến 5 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 đến 5 năm. Trong khi đó, đa số startup đều tập trung vào công nghệ thông tin và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số trên mạng máy tính và mạng viễn thông... và họ có thể trở thành đối tượng điều chỉnh trực tiếp của điều luật này.

NCĐT phỏng vấn 10 nhà khởi nghiệp và một nửa trong số này cho rằng, việc cung cấp các dịch vụ trên mạng xã hội, mạng viễn thông mà chưa được cấp phép sẽ bị ghép vào tội hình sự có thể trở thành rào cản lớn đối với sự sáng tạo của giới công nghệ, khi các sản phẩm này luôn có xu hướng đi trước luật. Nửa còn lại cho biết vẫn đang nghiên cứu luật này, nhưng họ có xu hướng ủng hộ vì tin rằng thị trường cung cấp các dịch vụ viễn thông, công nghệ sẽ chuyên nghiệp hơn trong thời gian tới.

Theo luật sư Bùi Kiến Long, thuộc Công ty Luật Tín & Tâm, theo Điều 292 Bộ luật Hình sự, chủ thể của tội phạm này là cá nhân có hoạt động cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông. Các yếu tố cấu thành nên tội là xâm phạm đến an toàn, trật tự công cộng dù vô ý hay cố ý đều có thể bị xem xét thuộc trường hợp Điều 292. Điểm quan trọng, căn cứ quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự, pháp nhân không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm được quy định tại Điều 292. Hiểu đơn giản, doanh nghiệp không là đối tượng của Điều 292.

Rõ ràng Điều 292 có tác động đến các nhà lập trình viên cá nhân. Có thể lấy ví dụ là trường hợp nổi tiếng của Nguyễn Hà Đông, người sáng tạo ra trò chơi Flappy Bird kiếm được tiền tỉ, có thể là đối tượng điều chỉnh của luật này. Bởi vì, nếu chỉ sáng tạo mang tính bất vụ lợi, hoặc tính vụ lợi không cao (chưa đến 50 triệu đồng thì không phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội), nhưng thu nhập lên đến 50.000USD/ngày phải xin cấp giấy phép.

Tuy nhiên, ông Long cho rằng trong Điều 292 chỉ hướng đến những cá nhân cung cấp dịch vụ mà dịch vụ này chưa được cấp phép hoặc cung cấp dịch vụ không đúng với nội dung trong giấy phép được cấp. Trong khi đó, những lập trình viên gia công/sản xuất phần mềm theo hợp đồng gia công với đối tác để nhận thù lao hoặc đưa các ứng dụng lên mạng viễn thông, máy tính nhưng không kèm theo việc khai thác kinh doanh để thu lợi từ ứng dụng này có thể không thuộc đối tượng của Điều 292.

Do vậy, để làm rõ hành vi vi phạm Điều 292, cơ quan chuyên môn cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để xác định hành vi vi phạm. Trường hợp của anh Nguyễn Hà Đông, theo ông Long phải xem xét và đánh giá toàn bộ quá trình thiết kế, phát triển, và mục đích đưa ứng dụng này lên trên Google Play và đồng thời tìm hiểu cam kết của người tạo ra các ứng dụng với Google Play.

Trước phản ứng tiêu cực từ cộng đồng các nhà khởi nghiệp, ông Long cho rằng, nên nhìn nhận ở góc độ Điều 292 dùng để răn đe các đối tượng có hành vi lợi dụng mạng viễn thông, mạng máy tính để lừa đảo lợi dụng lòng tin của người sử dụng.

Chủ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời gian tới nên có sự tham vấn của những chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý trước khi sử dụng và hoặc đưa các thông tin về sản phẩm hoặc dịch vụ kinh doanh của mình lên mạng máy tính và mạng viễn thông.

Giám đốc một công ty cung cấp dịch vụ nhắn tin cho rằng, hiện không thiếu các trường hợp doanh nghiệp chủ động đăng ký sản phẩm công nghệ, nhưng các bộ, ngành lại không biết các sản phẩm này thuộc nhóm, ngành nào nên việc cấp phép vẫn rất khó. Trường hợp này hoàn toàn có thể xảy ra với các nhà lập trình viên tự do. Còn một lập trình viên thắc mắc về thời gian cấp phép sẽ như thế nào, bởi đặc thù của các ứng dụng di động là vòng đời sản phẩm rất ngắn, có thể chưa đến 2 tháng. Việc cấp phép quá lâu sẽ là bất lợi cho những nhà lập trình viên tự do như anh.

Theo ông Long, hiện nay vẫn chưa có bất cứ văn bản hướng dẫn cụ thể về Điều 292 nên vẫn phải chờ hướng dẫn từ các cơ quan có thẩm quyền.

Đông Sang


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới