Hủy
Kinh Doanh

Bộ Quốc phòng có 3 vị trí mang quân hàm đại tướng

Thứ Năm | 27/11/2014 16:58

Luật có hiệu lực từ ngày 1.7.2015.
 
 
Luật có hiệu lực từ ngày 1.7.2015.

Sáng nay 27.11, Quốc hội đã thông qua luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, với 73,04% phiếu thuận và 4,83% số đại biểu không tán thành.

Theo khoản 1, điều 15 của luật này, cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam (đại tướng) được áp dụng với 3 vị trí: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Trước đó, tại phiên thảo luận về dự luật này, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định trần quân hàm đại tướng của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trong mối tương quan với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và của Tổng tham mưu trưởng quân đội, vì về mặt nhà nước, Tổng tham mưu trưởng là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, là cấp phó của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Với quy định cả 3 vị trí: Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Tổng tham mưu trưởng quân đội và Bộ trưởng Quốc phòng cùng có trần quân hàm đại tướng, theo hướng lập luận này, sẽ mâu thuẫn với nguyên tắc cấp trưởng phải cao hơn cấp phó 1 bậc.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi đó đã giải thích việc quy định như vậy là kế thừa luật Sĩ quan hiện hành, đã được thực tiễn kiểm nghiệm từ khi có luật Sĩ quan năm 1958, phù hợp với tổ chức của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị là người đứng đầu cơ quan chỉ huy, lãnh đạo Quân đội Nhân dân Việt Nam, có vai trò, vị trí rất quan trọng được quy định trong Hiến pháp, do Chủ tịch nước bổ nhiệm. Do đó Ủy ban Thường vụ Quộc hội xin giữ nguyên như dự thảo.

Về cấp bậc quân hàm thượng tướng, luật sửa đổi vừa được thông qua quy định Thứ trưởng Bộ Quốc phòng có bậc quân hàm cao nhất là thượng tướng nhưng không quá 6 người. Phó tổng tham mưu trưởng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, mỗi chức vụ có cấp bậc quân hàm cao nhất là thượng tướng, nhưng không quá 3 người. Cấp bậc quân hàm thượng tướng cũng áp dụng cho chức vụ Giám đốc, Chính ủy Học viện Quốc phòng.

Trần quân hàm trung tướng vẫn được áp dụng đối với Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM; Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.

Cấp bậc quân hàm trung tướng cũng áp dụng cho các vị trí: tư lệnh, chính ủy các quân khu, quân chủng, Bộ đội Biên phòng; chủ nhiệm tổng cục, tổng cục trưởng, chính ủy tổng cục; Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ.

Bậc quân hàm trung tướng cũng áp dụng với các chức vụ: giám đốc, hiệu trưởng, chính ủy: Học viện Lục quân, Học viện Chính trị, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Hậu cần, Học viện Quân y…. Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương là Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Chánh văn phòng Quân ủy Trung ương - Văn phòng Bộ Quốc phòng; Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng; Giám đốc Bệnh viện Trung ương quân đội 108…

Về trần quân hàm của chỉ huy trưởng, chính trị viên Ban chỉ huy quân sự quận, huyện thuộc Bộ tư lệnh TP.HCM, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, luật quy định cấp bậc hàm cao nhất là thượng tá.

Luật có hiệu lực từ ngày 1.7.2015.

Nguồn Thanh niên


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới