Hủy
Kinh Doanh

Con cá và cuộc “tháo chạy” của ngân hàng

Thứ Bảy | 02/08/2014 13:45

Hiện trong giới ngân hàng, dù không nói công khai nhưng đã truyền tai cảnh báo nhau hạn chế cho doanh nghiệp thủy sản vay thêm tiền.
 

Đầu tháng 7, giới doanh nghiệp xôn xao về thông tin ông Lưu Bách Thảo bị miễn nhiệm chức Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT Anvifish (Công ty Việt An). Ngay sau đó, ông Thảo đã rao bán toàn bộ cổ phần nắm giữ. Nghe đâu các giám đốc chi nhánh ngân hàng đã cho Anvifish vay cũng đã bị “chuyển vị trí công tác”.

Hệ lụy dây chuyền

Từ cú sốc này, hiện trong giới ngân hàng, dù không nói công khai nhưng đã truyền tai cảnh báo nhau hạn chế cho doanh nghiệp thủy sản vay thêm tiền. Theo họ đánh giá, ngành thủy sản đang là mối lo ngại vì có thể “nổ tung” bất cứ lúc nào.

Theo ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex, đặc điểm của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản là quay nhanh vòng vốn nên nhiều doanh nghiệp thường chọn cách vay tiền ngân hàng để mua nguyên liệu chế biến và xuất khẩu. Sau khi thu được tiền hàng thì đem trả vốn vay ngân hàng rồi lại tiếp tục một chu kỳ kinh doanh mới.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp thủy sản gặp khó khăn, vốn vay chưa trả hết lại tiếp tục vay thêm. Đến thời điểm hiện nay thì các ngân hàng không muốn cho doanh nghiệp thủy sản vay nữa. Về phía doanh nghiệp, áp lực trả nợ và lãi ngày càng tăng buộc họ phải bán được hàng bằng mọi cách.

Lâu nay, các hoạt động của doanh nghiệp (như sản xuất kinh doanh, mở rộng nhà máy, xây dựng vùng nuôi cá...) đều chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng. Nay, bị ngân hàng quay lưng, doanh nghiệp phải tự xoay xở vốn. Theo cách vô tình hay cố ý thì họ cũng đã tự đưa mình vào cuộc chiến giảm giá bán sản phẩm đến mức thấp nhất có thể với hy vọng bán được hàng với số lượng lớn. Cách đây hơn hai năm, phi lê cá tra được các doanh nghiệp “thỏa thuận” bán giá thấp nhất là 3 USD/kg, nhưng thời gian gần đây có rất nhiều doanh nghiệp công khai mức giá bán 2,5 USD/kg.

Ông N.M, tổng giám đốc một doanh nghiệp thủy sản lớn ở đồng bằng sông Cửu Long, cho biết vừa rồi, một công ty con của tập đoàn này đến hạn trả nợ ngân hàng 500 tỷ đồng. Ông buộc phải huy động vốn từ các công ty con khác để trả nợ. Những tưởng trả xong thì sẽ được vay lại nhưng thật không may, phía ngân hàng đã từ chối cho vay. “Từ giờ trở đi, chúng tôi phải tự xoay xở vốn chứ không hy vọng vay được tiền từ các ngân hàng nữa”, ông than thở.

Ông Nguyễn Văn Kịch cho rằng việc ngân hàng “tháo chạy” khỏi doanh nghiệp cá tra còn chưa dừng lại. Và với tình hình này, giá cá tra xuất khẩu trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp.
Vay được nhờ chính quyền giới thiệu

Hiện Ngân hàng Nhà nước có chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP, theo đó, doanh nghiệp muốn vay phải chứng minh được họ đang sản xuất kinh doanh theo chuỗi.

Và trong số 10 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp được vay tiền theo nghị quyết này chỉ có duy nhất một doanh nghiệp thủy sản được vay nhờ được chính quyền địa phương giới thiệu. Đó là Công ty Hùng Cá được vay hơn 1.400 tỷ đồng từ VietinBank Đồng Tháp, trong đó, 90% là vay tín chấp, 10% là thế chấp tài sản.

Phía ngân hàng cũng thừa nhận việc cho doanh nghiệp vay số tiền trên ngàn tỉ đồng với tỷ lệ vay tín chấp cao như vậy là khá rủi ro. VietinBank Đồng Tháp chấp nhận cho Hùng Cá vay vì đây là đối tác lâu năm và lại được chính quyền tỉnh giới thiệu. Trong tương lai, khi nhân rộng mô hình cho vay theo Nghị quyết 14 với các doanh nghiệp khác, ngân hàng sẽ xem xét lại chứ không thể dễ dàng cho vay như trường hợp công ty Hùng Cá.

Đối với các ngân hàng nước ngoài, nơi không bị ảnh hưởng nhiều từ phía chính quyền thì hầu như đã đóng cửa với các doanh nghiệp thủy sản.

Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp cho biết không phải tất cả các cánh cửa cho vay đều đã đóng sập. Nếu doanh nghiệp chấp nhận “trả giá” cao hơn, tức vay với lãi suất cao và đi kèm với cam kết trả tiền đúng hạn thì vẫn có cửa! Điều này có nghĩa khi thị trường gặp những biến động như sản phẩm bị tạm ngưng nhập khẩu vì không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tỷ lệ mạ băng cao hay ngành hàng phải chịu thuế bán phá giá cao thì doanh nghiệp cũng buộc phải hạ giá bán sản phẩm để thu tiền trả nợ ngân hàng.

Và như vậy, theo các doanh nghiệp, việc kinh doanh hiện nay như đi trên dây, chỉ cần một tác động nhỏ, doanh nghiệp cũng có thể bị loại khỏi cuộc chơi cho dù đó từng là công ty lớn.

Nguồn thesaigontimes


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới