Hủy
Kinh Doanh

Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu trong 2015

Thứ Ba | 06/01/2015 08:36

Chính phủ chỉ đạo áp dụng các biện pháp thuế quan, phi thuế quan để hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu, mặt hàng trong nước sản xuất được.
 

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ,giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Theo đó, Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, giao Bộ Công thương chủ trì tổ chức thực hiện tốt Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến 2030. Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Đề án phát triển thị trường nước ngoài đến 2020, Đề án các biện pháp quản lý nhập khẩu đến năm 2020 phù hợp với cam kết quốc tế.

Thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu. Mở rộng thị trường, khai thác tốt những thị trường hiện có và những thị trường tiềm năng để xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng và giá trị kim ngạch cao.

Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương tập trung quyết liệt tháo gỡ rào cản về thị trường; chủ động, tích cực tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các thỏa thuận thương mại khác theo hướng thúc đẩy mở cửa thị trường cho các loại nông, lâm, thủy sản của Việt Nam; bảo hộ hợp lý các ngành hàng còn khó khăn; phối hợp với các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài để tháo gỡ rào cản thương mại. Có giải pháp phù hợp đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng tăng trưởng xuất khảu lớn.

Đổi mới và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tổ chức kết nối thị trường cả trong và ngoài nước; tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường để định hướng sản xuất đến tất cả các ngành, phân ngành; đồng thời cung cấp thông tin đồng bộ, kịp thời đến đối tượng sản xuất, kinh doanh.

Trong khuôn khổ các hiệp định đã ký kết, áp dụng các biện pháp thuế quan và phi thuế quan để hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu, các mặt hàng trong nước đã sản xuất được để kích thích sản xuất và tiêu thụ hàng nội địa. Có giải pháp khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa. Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu; không để quá phụ thuộc vào một thị trường. Có các giải pháp hiệu quả để từng bước khắc phục tình trạng nhập siêu lớn từ một số thị trường.

Các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các biện pháp khuyến khích phát triển sản xuất, nâng cao tỷ trọng sản xuất hàng xuất khẩu từ nguyên liệu trong nước, giảm dần tỷ trọng hàng gia công lắp ráp, giảm tỷ trọng xuất khẩu nguyên liệu thô. Xây dựng và bảo vệ thương hiệu mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành, lĩnh vực và địa phương. Tăng cường quản lý chất lượng hàng xuất khẩu, nhất là trong các khâu nuôi trồng, sản xuất, thu hoạch, chế biến các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu chủ lực để bảo vệ và phát triển thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất, xuất khẩu về các loại rào cản của từng thị trường để phòng tránh rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Nguồn DVO


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới