Hủy
Kinh Doanh

Điểm chạm Stagflation

Nguyễn Sơn Thứ Ba | 16/11/2021 08:00

Chuyên gia của UBS tin rằng thách thức về chuỗi cung ứng và năng lượng ngày nay là kết quả của nhu cầu bất thường đối với hàng hóa. Ảnh: Quý Hòa.

Tăng trưởng kinh tế đình trệ trong khi lạm phát tăng cao là gánh nặng của nhiều nền kinh tế.
 

Trong khi triển vọng phục hồi kinh tế vẫn chưa có gì chắc chắn, đà tăng kéo dài của lạm phát đang gây bất ngờ cho các ngân hàng trung ương trên thế giới. Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán của Iran với những cường quốc thế giới về chương trình hạt nhân và tình hình dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, Nga, Tây Âu đã gây sức ép lên giá dầu.

Theo tính toán của Bloomberg Economics, lạm phát của Mỹ hiện ở mức 5,4% và có thể tiếp tục duy trì từ 4-5% trong năm tới, nhất là khi những hạn chế về nguồn cung không giảm. Môi trường đình lạm (stagflation, tức tăng trưởng kinh tế đình trệ trong khi lạm phát tăng cao), là một thách thức đối với các ngân hàng trung ương. Việc giữ lãi suất ở mức thấp sẽ giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế, nhưng có thể làm gia tăng rủi ro giá cả leo thang.

Ngân hàng Trung ương Anh dự báo tỉ lệ lạm phát có thể lên tới 4% trong năm nay - con số kỷ lục trong gần một thập kỷ. Lập trường chính sách về thắt chặt tiền tệ đang được xem xét. Liệu viễn cảnh của một cú sốc đình lạm sẽ một lần nữa quay trở lại?

 

Nhưng có thể nỗi sợ hãi đã được thổi phồng. Theo ông Mark Haefele, Giám đốc Đầu tư của Ngân hàng UBS, những thách thức trên thị trường năng lượng, căng thẳng chuỗi cung ứng sản xuất và thiếu hụt lao động chỉ là tạm thời chứ không phải là sự hình thành của cú sốc đình lạm mới. Chuyên gia của UBS tin rằng thách thức về chuỗi cung ứng và năng lượng ngày nay là kết quả của nhu cầu bất thường đối với hàng hóa. Nhưng khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, hàng tồn kho sẽ dần được cung cấp lại, giúp giảm mức tăng đột biến của giá hàng hóa.

Có dấu hiệu cho thấy các nút thắt cổ chai có thể đang được nới lỏng. Làn sóng COVID-19 gần đây ở Việt Nam và Malaysia đã làm gián đoạn ngành sản xuất hàng may mặc và chất bán dẫn, nhưng những làn sóng đó đang giảm bớt. Trong khi đó, khi mùa nhập khẩu cao điểm (tháng 8 và tháng 9) đã qua, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng của Mỹ đã không còn trở nên trầm trọng hơn.

Thách thức về nguồn cung lao động hiện tại và áp lực tăng lên đối với mức lương dịch vụ và kỹ năng thấp phản ánh sự trì trệ trong việc tái hòa nhập của người lao động. Nhưng điều này sẽ giảm bớt theo thời gian. Giá năng lượng sẽ ổn định, mặc dù ở mức cao hơn mức trước đại dịch, khi nguồn cung tăng lên và hàng tồn kho phục hồi. Công suất gia tăng của các mỏ khí đốt và than đá do lợi nhuận đang hấp dẫn sẽ khiến giá năng lượng giảm đáng kể trong thời gian tới.

 

Quay trở lại với trường hợp của Việt Nam, Công ty Chứng khoán BVSC cho rằng lạm phát tăng có thể không phải là rủi ro trong năm nay nhờ sự hỗ trợ từ đà giảm của giá các mặt hàng thực phẩm, cũng như tác động của dịch COVID-19 khiến giá một số mặt hàng khác như điện, vé máy bay, du lịch giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu giá dầu thô trên thế giới cũng như giá xăng dầu trong nước tiếp tục tăng nóng trong thời gian tới, lạm phát sẽ là một yếu tố cần phải theo dõi sát sao trong năm 2022, đặc biệt khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, giá cả hàng hóa dự báo tiếp tục tăng từ nay đến giữa năm 2022. Tuy nhiên, mức độ tác động của giá cả lên lạm phát Việt Nam không quá nghiêm trọng do nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hiện chưa dám chuyển ngay mức tăng giá đó vào giá hàng hóa cuối cùng vì doanh nghiệp và người dân còn khó khăn cộng thêm sức cầu còn thấp, vòng quay tiền cũng còn chậm.

Thực tế, Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 10 tháng năm 2021 tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây; lạm phát 10 tháng qua tăng 0,84%, thấp nhất kể từ năm 2011. Theo ước tính của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế dự báo áp lực tăng giá trong 2 tháng cuối năm 2021 là rất lớn. Nguyên nhân chính là chi phí nguyên liệu đầu vào tất cả lĩnh vực, từ thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng đến chi phí vận chuyển, logistics, xăng dầu... trong nước đều tăng mạnh.

uy nhiên, nếu giá dầu thô trên thế giới cũng như giá xăng dầu trong nước tiếp tục tăng nóng trong thời gian tới, lạm phát sẽ là một yếu tố cần phải theo dõi sát sao trong năm 2022, đặc biệt khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Ảnh: Quý Hòa.
Nếu giá dầu thô trên thế giới cũng như giá xăng dầu trong nước tiếp tục tăng nóng trong thời gian tới, lạm phát sẽ là một yếu tố cần phải theo dõi sát sao trong năm 2022, đặc biệt khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Ảnh: Quý Hòa.

Vẫn có những yếu tố tác động đến lạm phát vào cuối năm, nhất là đầu năm tới. Trước hết là tác động của lạm phát trên thế giới đối với Việt Nam. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ của nhiều nền kinh tế lớn thông qua các gói tiền tệ với quy mô lên đến hàng chục ngàn tỉ USD trong thời gian tương đối dài, thông qua lãi suất cơ bản gần như bằng 0, đang làm cho lạm phát tăng lên ở nhiều nước. Diễn biến đó cộng hưởng với việc mở cửa trở lại sẽ làm cho đơn giá tính bằng USD hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tăng, gây ra “nhập khẩu lạm phát”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết CPI năm nay dự báo khoảng 2%, nhưng áp lực lạm phát năm 2022 là không nhỏ do giá nhiên liệu thế giới liên tục tăng. “Áp lực lạm phát năm 2022 là rất lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước phục hồi mạnh nhờ đạt miễn dịch cộng đồng”, ông Hải nói thêm.

Theo các chuyên gia của HSBC, mặc dù áp lực giá không còn, một vấn đề cần quan tâm theo dõi là giá nhiên liệu tăng. Cụ thể, chi phí vận chuyển tăng nhanh chóng 2,5% so với tháng trước, đóng vai trò là nhân tố chính tạo ra lạm phát. Mặc dù vậy, nhu cầu trong nước dần phục hồi dù chậm vẫn có khả năng bù lại cho giá nhiên liệu tăng cao, đồng thời HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ chỉ tăng lên 2,1% trong năm 2021. Khi nền kinh tế trở lại bình thường, nhu cầu trong nước nhiều khả năng sẽ đẩy lạm phát lên 3,5% trong năm 2022.
 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới