ESPORTS: Gà vàng đẻ trứng vàng
Ảnh: gamek.vn
Đúng 14h30 ngày 25.5, toàn bộ đèn nhà thi đấu quân khu 7 tắt hẳn, nhường chỗ cho các ánh đèn laser với ánh sáng cực mạnh cùng với bản nhạc nền quen thuộc của tựa game Liên Quân Mobile. Khoảng 5 phút sau, 3 đội tuyển mà phần lớn các thành viên trong độ tuổi 20, tranh giải Chung kết Quốc gia Đấu trường Danh vọng Mùa Xuân 2019 xuất hiện. Họ là yếu tố giúp lấp đầy sân vận động quân khu 7 và gần 500.000 người xem trực tiếp trên YouTube ngày hôm đó.
Ông An Anh Vũ, Giám đốc Phụ trách phát hành tựa game Liên Minh Huyền Thoại tại khu vực Việt Nam, trực thuộc Công ty Vietnam Esports - VED (Garena Việt Nam), cho biết, từ năm 2012, Garena bắt đầu đầu tư các giải đấu thành một mô hình chuẩn và phân chia hệ thống giải đấu như bóng đá ở thể thao truyền thống: phong trào, bán chuyên và chuyên nghiệp. Chỉ tính riêng tựa game Liên Minh Huyền Thoại, hiện nay, giải đấu chuyên nghiệp cấp quốc gia là Vietnam Championship Series (VCS) diễn ra 2 mùa xuân và hè mỗi năm, mỗi mùa sẽ thi đấu 3 tháng, với tổng giải thưởng và tiền lương hỗ trợ cho các vận động viên mỗi mùa giải khoảng 2,5 tỉ đồng. Sau khi tìm ra nhà vô địch tại Việt Nam, Garena sẽ cử đại diện đi tranh tài với các quốc gia khác tại các giải đấu quốc tế do nhà phát triển game Riot Games tổ chức, với giải thưởng lên tới hàng triệu USD.
“Chúng tôi có thể tự tin khẳng định lượt người xem trực tuyến thể thao điện tử tại Việt Nam giờ chỉ xếp sau môn bóng đá”, ông Anh Vũ nói. Ngoài Garena, VNG, VTC Game cũng là đơn vị tích cực tổ chức các giải đấu thể thao điện tử. Đại diện VNG cho biết Chung kết giải đấu Mobile Legends Bang Bang do đơn vị này phân phối và tổ chức cũng thu hút 40.000 khán giả hồi năm ngoái. Theo tìm hiểu của NCĐT, chi phí tổ chức cái giải đấu không hề rẻ, như sự kiện gần nhất của Garena hồi tháng 5 vừa qua kinh phí vào khoảng 7 tỉ đồng. Tương tự, Chung kết Mobile Legends Bang Bang năm ngoái cũng tiêu tốn của VNG gần 5 tỉ đồng tiền tổ chức.
Nếu như trước đây, chỉ có các hãng phần cứng máy tính tham gia làm thương hiệu trong các giải eSports, thì vài năm trở lại đây, đã xuất hiện các nhãn hàng trong ngành tiêu dùng nhanh. Công bằng mà nói, các đơn vị tổ chức eSports không kỳ vọng vào doanh thu quảng cáo từ giải vì bản thân các chương trình này đã đem lại doanh thu rất lớn cho họ thông qua việc kích cầu mua sắm vật phẩm trong game trong suốt quá trình giải đấu diễn ra. Việc kêu gọi các doanh nghiệp khác tham gia tài trợ nhằm mục tiêu phổ biến giải đấu và thu hút nhiều người chơi hơn.
Điển hình như Garena, các giải đấu do đơn vị này tổ chức đã thu hút được các nhãn hàng phục vụ giới trẻ tham gia là Coca-Cola, Moutain Dew, Wake Up 247 và gần đây nhất là ClearMen đồng hành thời gian qua. Không chỉ tăng nhận dạng thương hiệu, các chương trình tăng doanh số bán hàng trong các giải đấu eSports cũng khá hiệu quả thông qua hình thức in mã quà tặng trên nắp bao bì để kích thích tương tác với người dùng. Đây là hình thức thế hệ trẻ khá ưa chuộng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng nhãn hàng cũng như giá trị truyền thông các nhãn hàng đóng góp vào các giải đấu eSports của Việt Nam vẫn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Giám đốc một đơn vị quảng cáo cho biết các nhãn hàng và các nhà tổ chức chưa tìm được tiếng nói chung trong đo lường các chỉ số.
Thứ đến, tài trợ eSports khá đơn giản là mua sự hiện diện trong giải đấu và còn thiếu các yếu tố hình tượng hay biểu trưng như đội tuyển Việt Nam, các câu lạc bộ bóng đá nước ngoài... trong tài trợ thể thao. Và cuối cùng là bản thân ngân sách tài trợ thương hiệu cũng như những kênh truyền thông khác đều cạnh tranh về tỉ suất hoàn vốn để có được tỉ lệ phân bố cụ thể trong kế hoạch đầu tư tiếp thị.
“Do đó, việc chứng minh tỉ suất hoàn vốn so với các kênh đại chúng như tivi, tài trợ game show... vẫn là thử thách với các đơn vị tổ chức eSports”, vị này nói.
Đồng quan điểm, đại diện Garena cũng nhìn nhận sự hạn chế trong việc thu hút các nhãn hàng tham gia eSports ở Việt Nam hiện nay. Điển hình như ở Philippines, hãng truyền thông Globe đã đầu tư 1 triệu USD để tổ chức giải đấu LMHT. Còn ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Trung Quốc... giải đấu eSports được xem như kênh tiếp thị truyền thống nên các doanh nghiệp tham gia rất đa dạng chứ không riêng gì ngành FMCG như MasterCard, Nike... “Điều đó cũng hợp lý vì xu hướng này khá mới ở Việt Nam”, ông Vũ cho biết.
Tuy nhiên, tại các quốc gia đang phát triển, nhãn hàng lớn và các tổ chức đầu tư đã đầu tư rất mạnh trong khoảng 2-3 năm trở lại đây, nên các đơn vị tổ chức tin rằng xu hướng này sẽ sớm phát triển ở Việt Nam trong những năm tới nhất là năm 2019 - năm đầu tiên SEA Games 30 ghi danh các game eSports trong danh sách tranh huy chương.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Thùy Linh
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Tuệ Anh (Nguồn: TTX)