Hủy
Kinh Doanh

Happy Farmers: Cách mạng nhà nông

Sơn Nguyễn Thứ Năm | 16/01/2020 14:50

Ảnh: tinmoi.vn.

Câu “người nông dân hạnh phúc - quốc gia hạnh phúc” rất đúng với nền kinh tế dựa chủ yếu vào nông nghiệp như Việt Nam...
 

Bên cạnh mục tiêu lợi nhuận, ngày càng nhiều doanh nghiệp nông nghiệp quan tâm đến chất lượng phát triển, sự thịnh vượng của người nông dân và bảo tồn môi trường. Ở đó, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn triển khai sợi dây liên kết, trở thành đối tác và người bạn đồng hành với nông dân thông qua những đề án Happy Farmers (Người nông dân hạnh phúc). Điển hình là tập đoàn cà phê Trung Nguyên International (TNI) đang triển khai đề án Happy Farmers, gắn kết doanh nghiệp với nông dân tại Tây Nguyên.

Theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo, CEO của TNI, đề án này có nội dung khá đa dạng, từ hoạt động từ thiện cho đến ứng dụng giải pháp hỗ trợ đời sống, đồng hành cùng người nông dân trồng cà phê. “Chương trình giúp nâng cao dân trí, hiểu biết của người nông dân, hỗ trợ chuyển đổi canh tác cây trồng theo mô hình mới với hiệu quả cao, giúp các nông hộ gắn bó và sống khỏe với cây cà phê”, bà Diệp Thảo chia sẻ tại sự kiện Ngày Cà phê Việt Nam 2019.

Đích đến mà Happy Farmers của TNI là tạo động lực để người nông dân trồng ra những hạt cà phê có chất lượng cao hơn nhờ ứng dụng các biện pháp canh tác bền vững, đồng thời giúp các thế hệ thành viên trong gia đình có cuộc sống tốt đẹp hơn, thông qua các chương trình hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề, việc làm, chữa bệnh. “Người nông dân trong giai đoạn mới cần có kiến thức về các chứng nhận trong ngành cà phê như UTZ, 4C, Rainforest Alliance, Fair Trade. Bởi giá trị vô hình, chất lượng hạt được khẳng định trong xuyên suốt chuỗi giá trị thông qua chứng nhận của các tổ chức nổi tiếng thế giới”, bà Thảo nói.

Ở Sóc Trăng, sợi dây liên kết giữa Hợp tác xã nông nghiệp chuyên trồng vú sữa Trinh Phú và Công ty Viva T&T ngày càng bền chặt sau 2 năm thiết lập. Thông qua chương trình hợp tác, Viva T&T hỗ trợ nông dân canh tác theo hướng an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn để được xuất khẩu qua thị trường khó tính là Mỹ.

Năm 2018, hợp tác xã Trinh Phú đã xuất khẩu 8,5 tấn vú sữa chất lượng cao qua Mỹ. Con số này năm 2019 được nâng lên đáng kể là 150 tấn. Không chỉ số lượng gia tăng, giá bao tiêu mà Viva T&T trả cho nông dân cao hơn thị trường. Nhờ mức giá đó, doanh thu của 1ha vú sữa không dưới 1 tỉ đồng và con số lợi nhuận mang lại cho nông dân có thể lên đến 800 triệu đồng cho mỗi ha.

Năm 2012, xuất khẩu rau quả của Việt Nam chỉ đạt 829 triệu USD, đến năm 2018 con số này đã tăng lên 3,6 tỉ USD, vượt qua nhiều mặt hàng khác, kể cả dầu thô. Tuy nhiên, dù nông nghiệp vẫn là bệ giảm sốc của nền kinh tế Việt Nam nhưng không có năm nào là không phải giải cứu, đặt ra những câu hỏi về việc nhân rộng các mô hình giúp nông dân hài lòng hơn với đồng ruộng của mình.

Chương trình liên kết giữa nông dân Trinh Phú và Viva T&T có thể gợi mở một giải pháp đột phá, vừa giúp nâng cao giá trị cho nhiều loại trái cây, nông sản tiềm năng của Việt Nam, vừa giúp nông dân cảm thấy hạnh phúc, yên tâm hơn, gắn bó lâu dài với ngành nhờ thu nhập cải thiện mạnh mẽ. “Mô hình này tạo ra thu nhập và phát triển mang tính bền vững cao và cần nhân rộng”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh nhận định.

Tương tự như các quốc gia trên thế giới, nông dân luôn là đối tượng chịu thiệt thòi nhất, phải đối mặt với nhiều rủi ro về thị trường tiêu thụ, giá cả biến động hay các cú sốc do thiên tai, biến đổi khí hậu gây nên. Ngay tại Bhutan - một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - một cuộc khảo sát toàn quốc cho thấy nông dân là những người kém hạnh phúc nhất trong xã hội. “Họ không có một giấc ngủ ngon hằng đêm do thấp thỏm phải bảo vệ trang trại của mình”, ông Dasho Tshering Tobgay, nguyên Thủ tướng Bhutan, nhận định.

Giống như Việt Nam, các quốc gia trong khu vực cũng triển khai đề án Happy Farmers để san sẻ bớt rủi ro, thay đổi cuộc sống của nông dân, đồng thời giúp bảo tồn hệ sinh thái động thực vật bản địa. Điển hình như tại Campuchia, doanh nhân người Pháp Guillaume Virag cùng các cộng sự đang triển khai đề án liên kết với các hộ nông dân nhỏ lẻ mang tên Alba.

Tham gia vào Alba, nông dân Campuchia sẽ được đảm bảo thị trường và chuẩn bị cho sự thay đổi bằng cách đa dạng hóa sản xuất. Họ có quyền truy cập và yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật bất cứ lúc nào từ đội ngũ chuyên gia của Alba để cùng nhau giải quyết tình huống khó khăn. Đề án hiện thu hút được 1.400 hộ nông dân nhỏ lẻ tại Campuchia tham gia, tạo ra hơn 900 tấn rau quả có chất lượng cao (ghi nhận năm 2017). Đáng kể hơn, thu nhập của nông dân tăng hơn 2 lần so với quá khứ, đi kèm với đó là tiết kiệm được 50 triệu lít nước nhờ ứng dụng công nghệ tưới tiêu nhỏ giọt và các kỹ thuật phục hồi môi trường tân tiến.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới