Hủy
Kinh Doanh

Nhiều nhà đầu tư điện gió "điêu đứng" vì COVID

Hải Bằng Chủ Nhật | 09/01/2022 20:37

Nhiều nhà đầu tư điện gió vẫn lâm cảnh khó khăn và đang nóng lòng muốn được gia hạn giá FIT. Ảnh: TL.

 
 
Các nhà đầu tư điện gió như đang ngồi trên đống lửa khi các dự án chưa kịp vận hành vào tháng 10/2021, thậm chí nhiều nhà đầu tư lo phá sản.

Doanh nghiệp mắc kẹt

Không kịp đưa dự án vào vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021, nhiều nhà đầu tư điện gió vẫn lâm cảnh khó khăn và đang nóng lòng muốn được gia hạn giá FIT. Trong văn bản vừa gửi Thủ tướng, các bộ, ngành và cơ quan Quốc hội, các nhà đầu tư điện gió tiếp tục nêu những khó khăn khi không kịp vận hành thương mại ngày 31/10/2021.

Công ty CP Điện gió Hanbaram (Ninh Thuận) gửi văn bản ‘kêu cứu’ đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành, công ty này cho biết, nhà máy điện gió Hanbaram có công suất 117MW với 29/29 trụ Tuabin, khởi công từ tháng 10/2020, đến ngày 31/10/2021 đã lắp đặt và kết nối 29/29 Trụ Tuabin; Hoàn thành toàn bộ đường dây và Trạm biến áp đấu nối lên hệ thống lưới điện quốc gia. Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chỉ 6/29 Trụ (20% công suất) của nhà máy được công nhận COD trước thời điểm 31/10/2021 để hưởng giá FIT ưu đãi theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg, còn 23 Trụ (80%) đã hoàn thành nhưng chưa được công nhận COD do Quyết định 39 hết thời hạn và chưa có chính sách tiếp theo.

Ảnh: TL.

Các nhà đầu tư điện gió tiếp tục nêu những khó khăn khi không kịp vận hành thương mại ngày 31/10/2021. Ảnh: TL.

Trong khi đó, dự án của Công ty Phong Điện Gia Lai chậm tới gần nửa năm khi thiết bị nằm chờ ở cảng 4 tháng mà không thể chuyển về công trường do giãn cách xã hội kéo dài ở các tỉnh phía Nam. Tới khi thiết bị rút được khỏi cảng, chuyên gia kỹ thuật nước ngoài lại không thể sang Việt Nam do các chuyến bay thương mại quốc tế vẫn đóng, cách ly kéo dài...

Theo ông Đặng Mạnh Cường, Tổng giám đốc Phong Điện Gia Lai, chừng đó thời gian ngừng trệ vì COVID-19 đã để lại nhiều hệ luỵ cho dự án này, chỉ 4% công suất dự án kịp vận hành thương mại (COD), hưởng giá FIT ưu đãi.

Đầu tư vào dự án cả nghìn tỉ đồng, giờ tiền nằm chết ở đó, ông Hoàng Giang, Tổng giám đốc Điện gió Sunpro Bến Tre, chia sẻ đã rót vốn vào dự án lên tới 56 triệu USD (tương đương 1.270 tỉ đồng), nhưng dù chạy đua tiến độ vẫn chỉ hoàn thành được 75% khối lượng. 

Nhà đầu tư điện gió muốn được gia hạn giá FIT

Đặc thù của điện gió là yêu cầu kỹ thuật thi công mỗi dự án đều khác nhau; chi phí đầu tư cũng lớn hơn nhiều so với điện mặt trời và có ít nhà cung cấp thiết bị... Điểm này theo ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng (Viện Năng lượng) cũng là rủi ro cho các nhà đầu tư ở giai đoạn nước rút vào tháng 10 năm ngoái. Không ít nhà đầu tư đã phải bỏ thêm chi phí "chênh" cao để có được thiết bị về sớm, nhưng dịch bệnh đã khiến họ lỡ nhịp.

Theo tính toán của doanh nghiệp, với suất đầu tư trung bình tại các dự án hiện nay là 45 tỉ đồng một MW, tổng mức đầu tư của khoảng 4.100 MW điện gió chưa kịp vận hành COD là trên 202.700 tỉ đồng (gần 8,8 tỉ USD). 70% trong số này là vốn vay ngân hàng, tức khoảng 142.000 tỉ đồng và hiện các nhà băng đã giải ngân được 40%, tương đương 81.190 tỉ đồng. Với mức lãi vay bình quân 10% một năm, các nhà đầu tư đang phải gánh số tiền lãi hàng năm trên 8.110 tỉ.

Hệ thống điện Việt Nam là một trong những hệ thống điện có tốc độ tăng trưởng cao nhất của thế giới.Ảnh: TL.
Hệ thống điện Việt Nam là một trong những hệ thống điện có tốc độ tăng trưởng cao nhất của thế giới. Ảnh: Viện Năng lượng

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận - cho rằng nếu không gia hạn giá FIT theo quyết định 39, khoảng 50% dự án điện đã đăng ký không thể hòa lưới, sẽ kéo theo hệ lụy làm ảnh hưởng tình hình tài chính, nguy cơ phá sản, không có tiền trả ngân hàng, từ đó dẫn tới các nguy cơ khiếu kiện, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư tại Việt Nam. 

Theo ông Tuấn nhìn nhận, phát triển điện gió ở Việt Nam hiện mới ở giai đoạn "chạy đà". Để tới được giai đoạn cất cánh 5 năm tới là quãng đường dài với cả nhà đầu tư và hoạch định chính sách. "Để điện gió 'cất cánh' được, cần hàng loạt chính sách phát triển phù hợp, như chuỗi cung ứng, cơ chế tài chính, công nghệ...Cơ chế chính sách hỗ trợ cho điện gió cũng cần ổn định, bền vững và ít thay đổi", ông nói.

Thực tế, nhiều nước cũng đã có chính sách "giải cứu" doanh nghiệp và chủ đầu tư điện gió khi họ gặp phải những khó khăn do nguyên nhân bất khả kháng - dịch COVID-19 gây ra. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp, địa phương, các hiệp hội, tổ chức chuyên ngành năng lượng gửi kiến nghị đề xuất với Bộ Công Thương, Thủ tướng, Quốc hội xem xét gia hạn thời gian hưởng giá FIT cho điện gió thêm từ 3 đến 6 tháng. 

Sự trỗi dậy của kinh tế số trong “bình thường mới”


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới