Hủy
Kinh Doanh

PVX chưa hoàn trả 1.000 tỷ đồng cho PVN

Thứ Hai | 08/10/2012 19:28

Đây là số tiền PVN cho PVX vay để thực hiện các dự án do đơn vị khác chuyển sang. Nhưng do tình hình xấu nên công ty chưa hoàn trả được.
 

Tại buổi họp báo quý III của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức chiều nay (8/10), ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn cho biết, kết quả kiểm toán Nhà nước tại Tổng CTCP Xây lắm dầu khí Việt Nam (PVC - mã PVX) đã có.

Theo đó, sau khi kiểm toán, số lãi của PVX giảm xuống do kiểm toán yêu cầu trích 1 phần lãi để làm dự phòng cho một số dự án. Cụ thể, theo báo cáo được Deloitte kiểm toán, năm 2011 PVX lãi hợp nhất 299,4 tỷ đồng, giảm 25% so với số lãi trước khi kiểm toán.

Tuy nhiên, đến 6 tháng đầu năm, PVX lỗ hợp nhất hơn 754,6 tỷ đồng (theo báo cáo kiểm toán hợp nhất). Theo ông Thực, nguyên nhân lỗ là do sản phẩm đầu tư chưa thể bán được, một số dự án chưa hạch toán, trong đó có một số dự án trước đây thuộc các đơn vị khác làm nay chuyển sang PVX.

Trong đợt phát hành cổ phiếu của PVX tăng vốn điều lệ từ 2.500 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng đầu năm 2012, PVN đã chi 1.100 tỷ đồng để mua cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu tại PVX từ 41,21% lên 53,26%.

Ông Thực cho biết, trước đây khi có chủ trương cho phép các tập đoàn được đầu tư đa ngành, PVN có nhiều công ty kinh doanh bất động sản. Nhưng đến năm 2009, do nhận thấy một số đơn vị kinh doanh thua lỗ nên PVN thực hiện sắp xếp lại, chuyển giao các công ty kinh doanh bất động sản sang PVX, khiến đây là đơn vị duy nhất được kinh doanh bất động sản trong tập đoàn.

Sau khi chuyển giao, PVN đã cho PVX khoảng trên 1.000 tỷ đồng để làm các dự án nhận chuyển nhượng từ các đơn vị khác, hy vọng tình hình tốt lên sẽ thu hồi lại được. Tuy nhiên, sau đó tình hình xấu đi nên PVX vẫn chưa hoàn trả được cho PVN, vị Chủ tịch này nói.

Trước tình hình này, trong báo cáo kết luận, Kiểm toán Nhà nước có ý kiến rằng PVN chỉ đạo các bộ phận liên quan tìm biện pháp xử lý các khoản nợ đã đến hạn, hiện tập đoàn đã thành lập bộ phận quản lý việc này.

Liên quan đến kế hoạch tái cơ cấu tại PVX, ông Thực cho hay, trong đề án tái cấu trúc, công ty này chỉ thực hiện xây lắp trên bờ và phải thoái vốn khỏi các lĩnh vực khác, đặc biệt là bất động sản. Tuy nhiên, việc thoái vốn phải khéo nếu không sẽ gây thất thoát vốn Nhà nước.

Theo ông, tùy theo tình hình cụ thể sẽ xây dựng kế hoạch thoái vốn, theo 4 nguyên tắc là bảo đảm đúng luật, bởi đây chủ yếu là các công ty cổ phần nên phải thông qua cổ đông; căn cứ vào thị trường, khi thị trường tốt thì mới thoái vốn nhằm bảo toàn vốn Nhà nước ở mức cao nhất. Trong trường hợp đơn vị đó kinh doanh thua lỗ kéo dài, sẽ có biện pháp như bán, sáp nhập hoặc cho phá sản, song phải thực hiện  minh bạch, công khai, theo nguyên tắc  thị trường

Hiện PVN có 29 công ty con, sau khi tái cấu trúc sẽ còn 24 đơn vị. Các công ty cấp 2 và cấp 3, công ty liên kết hiện có 206 đơn vị, sau khi tái cấu trúc còn 126 đơn vị (giảm 80 công ty) và sẽ không còn công ty cấp 4. Tất cả các công ty cấp 2 và cấp 3 chỉ đảm nhận lĩnh vực kinh doanh chính, không còn đầu tư tài chính, ông Thực nói.

Theo báo cáo hợp nhất 6 tháng đầu năm do Deloitte soát xét, tổng các khoản vay và nợ ngắn hạn, dài hạn của PVX tại 30/6/2012 đạt hơn 4.592 tỷ đồng, trong đó vay tại công ty mẹ chiếm 34%. Hiện ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) là chủ nợ lớn nhất của PVX. PVN nắm 20% vốn tại ngân hàng này và có kế hoạch thoái toàn bộ vốn đến 2015.

Đơn vị: tỷ đồng. Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2012 đã soát xét
Đơn vị: tỷ đồng
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2012 đã soát xét

Nguồn Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới