Hủy
Kinh Doanh

Quỹ đầu tư nội địa giải thể do thua lỗ

Thứ Sáu | 23/11/2012 10:23

Khi chưa thể tìm được con đường khả quan hơn, việc đóng quỹ là chuyện đã và đang được nhiều công ty quản lý quỹ nội địa tính đến.
 

Ngày 14/11 vừa qua, Quỹ Tầm nhìn SSI (SSIVF) do Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) quản lý đã thông báo đóng Quỹ. SSIVF là quỹ đầu tư nội địa lớn nhất, với số vốn ban đầu 1.700 tỷ đồng.

Theo thông tin sơ bộ, các tổ chức góp vốn gồm SSI, Sacom, Thủy sản Minh Phú, Agrifish, Thủy sản Bến Tre, Eximbank, Vinamilk, Bảo hiểm Dầu khí, PVFI, PG Bank, Công ty Tài chính Cao su. Các tổ chức này sẽ nhận được 90% số tiền đã bỏ ra (gồm tiền mặt và các cổ tức đã nhận qua các năm).

Bên cạnh SSIVF, khi Thành Việt đóng quỹ, tiền trả lại cho cổ đông quỹ này bằng 20% tổng vốn góp. Ngoài ra, tháng 12 tới, Quỹ Đầu tư chứng khoán Bản Việt do Công ty Quản lý quỹ Bản Việt (VCAM) quản lý cũng dự tính giải thể, khi từ nhiều tháng qua, quỹ này đã tìm cách thoái vốn, đưa tỷ lệ tiền mặt về mức 80% tổng tài sản. Một số quỹ đầu tư nội địa khác, như Việt Long, VFMVF1… cũng đang làm các thủ tục xin giải thể.

Một số quỹ đầu tư không giải thể nhưng thay tên đổi chủ, như Công ty Quản lý quỹ SME trở thành Công ty Quản lý quỹ Hữu Nghị; cổ đông của Công ty Quản lý quỹ Chiến Thắng phải chuyển nhượng hết cổ phần cho 3 nhà đầu tư mới.

Đề cập nguyên nhân khiến nhiều công ty quản lý quỹ phải chọn con đường rút lui, đại diện một quỹ đầu tư ở TPHCM cho rằng, diễn biến kém thanh khoản kéo dài, với giao dịch chỉ quanh mức 300 - 400 tỷ đồng/phiên, đã triệt tiêu cơ hội tìm kiếm lợi nhuận của các quỹ.

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của quyết định rút lui vẫn là các quỹ không tìm được đường đi khả quan. Đa số các quỹ đầu tư đại chúng như Vietfund (VFM) đã tính đường chuyển đổi mô hình hoạt động sang quỹ mở và xem đây là cứu cánh để các quỹ nội địa giải quyết khoảng cách chiết khấu. Nhưng đã 2 năm sau ngày đề cập, mô hình quỹ mở hiện mới dừng ở bàn thảo và chuẩn bị.

"Cho dù quỹ mở được cho phép thành lập, nhưng không phải đã hết thách thức cho các quỹ nội địa. Thách thức lớn nhất là câu chuyện thu hút được dòng vốn nội. Với dân số trẻ chiếm đa số, khả năng tích lũy thấp, việc gọi vốn ở Việt Nam rất khó. Ngoài ra, ở Việt Nam chưa có những chính sách ưu đãi để hấp dẫn dòng vốn nhàn rỗi vào các quỹ. Đặc biệt, với quy mô thị trường nhỏ bé, với tâm lý thích tự đầu tư hơn là giao tiền cho người khác, gọi vốn trong nước vào các quỹ - dù trực tiếp (góp vốn) hay gián tiếp (mua chứng chỉ quỹ) đều rất khó khăn", đại diện Quỹ VFM phân tích.

Nguồn Báo đầu tư


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới