Hủy
Kinh Doanh

Sô-cô-la Việt Nam được ưa chuộng tại Nhật Bản dù giá cao

Thứ Sáu | 27/05/2016 07:14

Đắt gấp 8 lần so với hàng nội địa, song sô-cô-la Việt Nam mang nhãn hiệu Marou vẫn bán tốt ở Nhật Bản.
 

Naoko Otsuka, một bà nội trợ sành ăn 55 tuổi, không đắn đo chút nào khi bỏ ra 23 USD để mua 6 thanh sô-cô-la mang nhãn hiệu Marou, trọng lượng chỉ 5 aoxơ (150gram) tại một cửa hàng ở khu mua sắm Shibuya, Tokyo.

6 thanh sô-cô-la Otsuka mua được sản xuất từ các loại cacao khác nhau trồng tại Việt Nam. "Tôi muốn thưởng thức hương vị khác nhau của mỗi loại. Trước khi bước vào cửa hàng, tôi không biết các hạt cacao lại cho hương vị khác nhau tùy thuộc vào nguồn gốc của chúng", Otsuka cho hay.

Bà Naoko Otsuka biết rằng giá của loại sô-cô-la đó là cao, nhưng bà đã ăn nó nhiều lần và chất lượng hoàn toàn xứng đáng với giá cả. Đối với bà, loại sô-cô-la Marou này không chỉ đơn giản là một thứ ăn vặt, mà chất lượng của nó đã vươn đến tầm tinh hoa.

"Tôi thích ăn sô-cô-la có hàm lượng cao cacao vì nó tốt cho sức khỏe. Cả chồng và con trai tôi cũng ăn loại sô-cô-la này vì chúng giúp tinh thần sảng khoái sau nhiều giờ làm việc cũng như học hành căng thẳng", bà Otsuka nói.

Loại sô-cô-la Việt Nam mà bà Otsuka mua có giá 17.500 yên/kg (72 USD/pound), tức là đắt gấp 8 lần so với sản phẩm sô-cô-la thông thường mà các công ty Nhật Bản sản xuất.

Những người tiêu dùng như bà Otsuka đang giúp đẩy tăng nhu cầu sô-cô-la cao cấp - phân khúc thị trường đang chịu sự thống trị của các hãng như Hershey Co và Cadbury. Kể từ khi thâm nhập thị trường Nhật Bản 3 năm trước, doanh số bán sản phẩm Marou - hãng sản xuất sô-cô-la mà bà Otsuka mua - đã tăng gấp đôi sau mỗi năm.

Jonathan Parkman, đồng phụ trách nông sản tại hãng môi giới Marex Spectron Group ở London, cho rằng, sự tăng trưởng ấn tượng của Marou cho thấy người tiêu dùng Nhật Bản ngày càng yêu cầu cao hơn về những sản phẩm sô-cô-la có khả năng truy xuất nguồn gốc hạt cacao.

Thậm chí Meiji Holdings - bắt đầu bán sô-cô-la tại Nhật Bản từ năm 1918 và hiện đang chiếm 23,8% thị phần nội địa - hồi tháng 9/2014 cũng bắt đầu tung ra một loạt sản phẩm sô-cô-la làm từ cacao trồng tại Brazil và Venezuela. Sản phẩm sô-cô-la sữa của Meiji bán trong siêu thị có giá 2.200 yên/kg (9 USD/pound).

Marou là thương hiệu sô-cô-la với nguyên liệu hoàn toàn từ Việt Nam, do hai doanh nhân Pháp đầu tư sản xuất. Công ty Marou Faiseurs de Chocolat chỉ sản xuất duy nhất sô-cô-la "bean to bar", bao gồm toàn bộ quy trình từ khâu xử lý hạt cacao đến khi xuất xưởng.

Marou đặt tên 5 loại thanh sô-cô-la của hãng từ 5 tỉnh cung cấp nguồn hạt cacao là Tiền Giang, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bến Tre.

Marou xuất khẩu khoảng 70% sản phẩm sô-cô-la, chủ yếu sang Pháp và Mỹ. "Ngày càng có nhiều người tiêu dùng tại Mỹ ưa chuộng sô-cô-la sản xuất thủ công - sản phẩm không hề tồn tại 10 năm trước. Thị trường ngày càng rộng mở hơn", Samuel Maruta, chủ tịch Marou, cho biết.

Theo số liệu của Tổ chức Ca cao Thế giới, những thập kỷ gần đây, các hãng sản xuất sô-cô-la chủ chốt đã sử dụng hạt cacao thuộc nhóm Forastero vì hương vị của chúng phối hợp ăn ý hơn với các loại hạt, trái cây và kem.

Jack Skelly, nhà phân tích thực phẩm tại Euromonitor, tại Hội thảo Cacao Thế giới tại Cộng hòa Dominica, cho biết, vào thời điểm khi nhu cầu sản phẩm sô-cô-la thông thường tại các thị trường đã trưởng thành như Mỹ và châu Âu luôn ở mức thấp, người tiêu dùng lại cho thấy họ sẵn sàng bỏ thêm tiền để mua sản phẩm sô-cô-la tuyệt hảo, miễn là có phẩm chất và hương vị đặc biệt.

Gary Guittar, chủ tịch Công ty Sô-cô-la Guittard trụ sở tại California, cho biết, người tiêu dùng nhận ra rằng có nhiều loại hương vị, nhất là đối với sản phẩm cao cấp được sản xuất từ một loại hạt cacao. Trước đây, người tiêu dùng luôn nghĩ chỉ có một loại sô-cô-la mà thôi.

Năm 2015, giá cacao kỳ hạn trên thị trường New York tăng 10%, sau khi tăng 38% trong 3 năm trước đó. Chốt phiên giao dịch hôm 25/5, giá cacao giao tháng 7/2016 đứng ở 2.924 USD/tấn.

Ông Parkman dự báo nhu cầu cacao sẽ tăng trưởng trung bình 3%/năm trong dài hạn, chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ tại châu Á tăng mạnh. Tiêu thụ cacao bình quân đầu người tại châu Á vẫn rất thấp, do vậy, vẫn còn dư địa cho thị trường sô-cô-la tăng trưởng.

Tại Nhật, doanh số bán lẻ sô-cô-la năm 2015 tăng 7% lên 405 tỷ yên (3,7 tỷ USD), ngay cả khi dân số nước này liên tục giảm, theo số liệu của Euromonitor. Đối với người Nhật, sô-cô-la là một loại đồ ăn vặt tốt cho sức khỏe.

Nhật Trường

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới