Hủy
Kinh Doanh

Sữa ngoại đổ bộ, sữa nội đã chuẩn bị gì?

Thanh Phong Thứ Ba | 06/09/2016 12:30

 
 
Nếu giảm 7-10% thuế với sữa thành phẩm thì sữa ngoại chắc chắn có lý do để đổ bộ ồ ạt vào Việt Nam.

Thị trường sữa nước trị giá hơn 30.000 tỉ đồng luôn hấp dẫn những nhà sản xuất sữa nội địa lẫn ngoại nhập. Mặt hàng này hiện chiếm 29% giá trị toàn ngành với sự cạnh tranh chủ yếu của 2 doanh nghiệp lớn là Vinamilk và FrieslandCampina Vietnam. Dẫn đầu hiện là Vinamilk, chiếm khoảng một nửa thị phần. Tiếp theo là FrieslandCampina Vietnam chiếm 26%, bên cạnh sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp khác như TH True Milk, NutiFood, IDP và Hanoi Milk…

Ngành hàng sữa nước cần nguyên liệu đầu vào là những đàn bò sữa, nên nuôi bò từng được xem là trào lưu khi các hãng sữa đua nhau nhập bò về Việt Nam để nuôi và mở rộng đàn bò. Có vẻ chậm chân hơn nhưng NutiFood khá tham vọng trong chiến lược này khi vào giữa năm ngoái hợp tác cùng Hoàng Anh Gia Lai nuôi bò sữa ở quy mô lớn. Hiện các trang trại của Hoàng Anh Gia Lai đang chăn nuôi 7.500 con bò.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, có một số công ty định hướng lại chiến lược bằng những nỗ lực “quốc tế hóa” sản phẩm sữa nước của mình, bên cạnh việc phát triển đàn bò nội. Chẳng hạn, Vinamilk mới đây đưa về sản phẩm sữa hữu cơ (organic) nhập khẩu từ Mỹ. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Sữa quốc tế (IDP) nhập khẩu trực tiếp sữa Úc với nhãn hiệu Love in Farm (LIF) được in lên sản phẩm.

Nhập khẩu sản phẩm về làm thương mại ở thị trường trong nước là chuyện bình thường, nhưng ẩn đằng sau đó là câu hỏi về mô hình nuôi bò sữa ở những quốc gia có sức tiêu thụ lớn như Việt Nam. Cuộc đua “hữu cơ” không chỉ nằm ở các sản phẩm trồng trọt, mà còn lấn sang lĩnh vực chăn nuôi bò. Thịt và sữa của những đàn bò nuôi theo kiểu tự nhiên được cho là sạch, tươi và an toàn hơn nhiều so với nuôi theo kiểu công nghiệp. Trong bối cảnh đó, dễ hiểu khi nhiều công ty sữa tìm cách gắn hình ảnh sản phẩm của mình với những đàn bò ngoại hoặc sữa ngoại.

Không phải ngẫu nhiên mà sữa bò ở Úc, New Zealand và Mỹ được ưa chuộng trên thế giới. Những quốc gia này sở hữu những đồng cỏ có quy mô lớn, bò được chăn thả tự nhiên ở xa khu dân cư, hạn chế được các tác động của ô nhiễm môi trường xung quanh. Ngược lại, ở những quốc gia không có những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, buộc phải đi theo mô hình nuôi bò lấy sữa kiểu công nghiệp để bù đắp về số lượng. Theo ông Trần Bảo Minh, Tổng Giám đốc Công ty IDP, không chỉ Việt Nam mà cả ngành sữa thế giới đang có xu hướng tiêu dùng các sản phẩm sữa tinh khiết và nguyên chất, tức bò được chăn thả hoàn toàn tự nhiên.

Sua ngoai do bo, sua noi da chuan bi gi?
Ông Trần Bảo Minh, Tổng Giám đốc Công ty IDP. Ảnh: TL

Một quốc gia điển hình cho chiến lược sữa gắn liền với “bò ngoại” là Trung Quốc. Theo số liệu của The Economist, các công ty sữa của Trung Quốc mua lại nhiều nông trại ở New Zealand và từ đó nhập ngược về. Tại thị trường Việt Nam, chiến lược đi ra nước ngoài thực tế cũng đã được triển khai từ lâu. Chẳng hạn, Vinamilk mua lại một công ty sữa New Zealand, gần đây thâu tóm nhà máy sữa bên Mỹ. Nhưng sản phẩm sữa hữu cơ với Vinamilk có lẽ đơn thuần là chuyện làm thương hiệu, vì sản lượng tiêu thụ sữa nội địa của Vinamilk có lẽ lớn hơn rất nhiều so với lượng nhập về.

TH True Milk cũng có bước đi ra nước ngoài, nhưng lại chọn Nga làm căn cứ thay vì các quốc gia nổi tiếng về sữa ở trên. Tháng 5 vừa qua, TH True Milk đã khởi công dự án tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa với quy mô đầu tư 500 triệu USD (giai đoạn 1). TH True Milk cũng dự kiến thành lập chuỗi phân phối với 300 cửa hàng True Mart ở Nga.

Song, những doanh nghiệp ở quy mô tầm trung như IDP lại có những tính toán khác. Thời còn ở TH True Milk, ông Trần Bảo Minh cũng nhập bò về nuôi nhưng nay quan điểm đã khác. Theo ông Minh, Việt Nam có thể sản xuất ra những dòng sữa có chất lượng và sạch tương đương như sữa nhập, nhưng chi phí sẽ rất cao và tốn thời gian nếu làm theo kiểu tự nhiên. “Trên thế giới, người nuôi bò có lợi nhuận thấp nhất, rủi ro và cực khổ nhất trong chuỗi giá trị”, ông Minh nói.

Ông Lê Nguyên Hòa, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị NutiFood, cũng thừa nhận thực trạng giá thành sữa nguyên liệu hiện ở mức rất cao do cách tổ chức chăn nuôi manh mún và nhiều vùng nuôi bò sữa có khí hậu không thích hợp, phải tốn nhiều chi phí cải tạo. Tuy nhiên, NutiFood lại tỏ ra rất tự tin với việc phát triển đàn bò trong nước. Hiện công ty này đang liên kết với Hoàng Anh Gia Lai mở trang trại ở trên cao nguyên Gia Lai.

“Nếu đầu tư nghiêm túc, tôi cho rằng chi phí sản xuất sữa tươi tiệt trùng tại Việt Nam có thể tương đương với các quốc gia nổi tiếng về sữa trên thế giới”, ông Hòa nói. Mặc dù vậy, đáng tiếc là NutiFood gặp phải “vận xui” khi tiến độ dự án chậm lại vì Hoàng Anh Gia Lai hiện đang tái cấu trúc do vướng các khoản nợ lớn.

Tất nhiên dù ở trường hợp nào cũng phải có sự đánh đổi. Hãng yêu thích bò nội như NutiFood sẽ phải tập trung giảm chi phí cho vùng nguyên liệu của mình. Trong khi đó, IDP sẽ phải giải quyết bài toán chênh lệch mức giá bán tại nội địa và nước ngoài vì chi phí vận chuyển sẽ lên cao. Giá bán sữa Úc cũng được ông Minh cho biết sẽ ở mức thấp nhất có thể, với mục tiêu “đại chúng hóa” dòng sản phẩm sữa nước. Trong vòng 5 đến 7 năm tới, sữa nước là nhu cầu cơ bản và tỉ suất lợi nhuận ngành sữa khi đã ổn định sẽ về mức thấp. “Cuộc cạnh tranh nằm ở ngành hàng nước giải khát hơn là dòng sữa”, ông Minh nói. Theo đó, sữa Úc là sản phẩm cơ bản và là nền tảng để sau này IDP góp thêm những công thức khác để gia tăng giá trị cho thương hiệu LIF, thay vì chỉ mỗi logo trên hộp sữa như hiện nay.

Trên thực tế, cách bán sản phẩm sữa Úc của IDP lần này cũng khác so với cách làm truyền thống trước đây của ông Minh tại Vinamilk, TH True Milk. Những lần trước, ông Minh cố gắng bán càng nhiều càng tốt, nhưng giờ sữa Úc thì ông lại chọn cách bán theo kiểu chọn lọc. “Sữa Úc phải được phân phối theo con đường ngắn nhất có thể”, ông Minh cho biết. IDP tập trung vào những kênh hiện đại (giúp bảo quản sữa tốt hơn), cửa hàng lớn (khách mua sữa nhanh và số lượng nhiều) và những điểm bán phải có người giới thiệu sản phẩm.

Một câu hỏi nhiều người quan tâm là khi Việt Nam gia nhập sâu hơn vào các hiệp định thương mại tự do, liệu ngành sữa có lo ngại chuyện mất đi thương hiệu bò sữa nội địa khi thuế giảm và những công ty lớn trong ngành sữa thế giới nhảy vào? Đây là thông tin đáng quan tâm, bởi khi TPP có hiệu lực, các công ty sữa sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do phải cạnh tranh với các hãng sữa ngoại. Giảm 3% thuế cho sữa nguyên liệu không tác động nhiều đến doanh nghiệp sản xuất, nhưng giảm 7-10% thuế với sữa thành phẩm thì sữa ngoại chắc chắn có lý do để đổ bộ ồ ạt vào Việt Nam. Việc thiếu hụt 70% lượng sữa cho chế biến và tiêu thụ đã khiến Việt Nam phải gia nhập nhóm 20 nước nhập khẩu sữa lớn nhất thế giới. Vì thế, dòng sữa nhập sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam với số lượng nhiều hơn.

Với phương án đặt hàng “gia công” bên ngoài như IDP, ông Minh cho rằng không có gì phải lo ngại, vì các hãng sữa bên ngoài chỉ làm một việc mà họ giỏi nhất trong chuỗi cung ứng. “Họ có bò sữa nhưng không có thị trường”, ông Minh nói. Ông Hòa cũng cho rằng: “Các doanh nghiệp sữa nội vẫn nắm giữ ưu thế, đó là am hiểu người tiêu dùng và sở hữu hệ thống chuỗi cung ứng và phân phối hiệu quả”.

Thanh Phong


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới