Hủy
Kinh Doanh

"Tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm phải đạt 6% mới đảm bảo mục tiêu"

Thứ Năm | 27/06/2013 12:11

Đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5%, Chính phủ cần các giải pháp đột phá.
 

Tại buổi họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2013 do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng 27/6, Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia Hà Quang Tuyến cho biết, tăng trưởng kinh tế (GDP) 6 tháng đầu năm đạt 4,9%, do đó để đạt mục tiêu cả năm 2013 Quốc hội đề ra (5,5%) thì trong 6 tháng cuối năm tăng trưởng GDP phải đạt gần 6%.

Theo ông Tuyến, mục tiêu này thực tế các năm gần đây cho thấy chủ yếu là đạt được. Trong đó, 6 tháng cuối năm tăng trưởng đạt 6,8%; năm 2010 tăng 8,2%; năm 2011 tăng 6,9%; riêng năm 2012 là 5,5%.

Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thống kê cũng nhấn mạnh, nền kinh tế năm 2013 còn nhiều khó khăn với tổng cầu giảm sút và khó có khả năng đẩy mạnh trong 6 tháng cuối năm trong khi sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn (phá sản lớn, sản xuất chưa mở rộng, tồn kho cao, khả năng tiếp cận vốn thấp), thì để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% Chính phủ cần các giải pháp đột phá.

Về mục tiêu tăng trưởng 5,5%, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức cho rằng có thể đạt được nếu Chính phủ nỗ lực hết sức. Ông dự báo, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt khoảng 5,1 - 5,2%. Tuy nhiên, về con số này, ông Thức cho rằng không phải là thấp nếu căn cứ trong bối cảnh trong nước và thế giới.

Trước ý kiến cho rằng do lạm phát đã cơ bản kiểm soát được, do đó đã đến lúc chuyển sang kích thích tăng trưởng, ông Tuyến cho rằng, về lý thuyết sự thay đổi về giá cả có tác động lớn đối với tăng trưởng kinh tế, nhưng nếu giá cả tăng trong chừng mực thì sẽ có tác động tốt, còn nếu tăng quá mức sẽ có tác động xấu. Vì vậy, tuy kích thích tăng trưởng là cần thiết nhưng vẫn cần phải hết sức thận trọng trong tăng trưởng cung tiền và tổng cầu.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thắng - Vụ trưởng Vụ giá cũng cho rằng, ở Việt Nam, vấn đề về lạm phát rất nhạy cảm, thường ở trạng thái không bền vững, dễ bị phá vỡ và nếu bùng phát sẽ khó kiểm soát. Do đó, ông Thắng cho rằng, Chính phủ nên tập trung kiềm chế lạm phát ngay cả khi vẫn đang ở mức thấp để tránh rủi ro cho các năm tới.

Đối với chỉ tiêu lạm phát trong năm nay, đại diện từ Tổng cục Thống kê nhận định, dư địa còn khá lớn nhưng vẫn còn một số yếu tố rủi ro như giá điện có khả năng tăng sẽ tác động 0,25% tới lạm phát; mưa bão và việc tăng giá y tế, học phí. Trong khi đó, các yếu tố tiền tệ cũng chưa đáng lo ngại do tiền vẫn chủ yếu nằm trong hệ thống ngân hàng, khả năng tăng trưởng tín dụng vượt chỉ tiêu 12% là khó.

Nguồn Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới