Hủy
Kinh Doanh

"Tổ yến" VBEC: Mô hình kết nối hơn 1.200 nhà yến

Bảo Trung Thứ Năm | 23/07/2020 14:00

 
 
Mô hình kết nối hơn 1.200 nhà yến tham gia vào chuỗi liên kết từ nhà yến tới thị trường.

Với mục đích giúp người nuôi yến bán tổ yến với giá cao và ổn định, các doanh nghiệp ngành yến kinh doanh hiệu quả, bảo vệ thương hiệu yến sào Việt Nam, tạo liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường, bà Đỗ Tú Quân đã quyết định thành lập startup - Trung tâm Triển lãm Yến sào Việt Nam (VBEC) với mô hình làm yến kết hợp du lịch sinh thái.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam có 42/63 tỉnh, thành phố nuôi chim yến với tổng số hơn 8.300 nhà yến. Khu vực tập trung nhiều nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiếp đến là Đông Nam Bộ và vùng duyên hải miền Trung. Hiện nay, giá trung bình khoảng 1.500-2.000 USD/kg tổ yến. Sản phẩm này mang lại nguồn thu 100-125 triệu USD/năm cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Yến sào Việt Nam (VSFA), tốc độ xây dựng nhà yến ở Việt Nam tăng theo từng tháng, thay vì theo năm như trước. Những nơi có tốc độ xây dựng tăng nhanh như thành phố Rạch Giá và thị xã Hà Tiên (Kiên Giang), thành phố  Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), hay Phú Yên, Bình Thuận, tăng 10-12%/tháng.

Thị trường xuất khẩu chính của yến sào Việt Nam là Hồng Kông, Trung Quốc, cộng đồng người Hoa ở Mỹ, Úc, New Zealand. Đây là ngành chăn nuôi quan trọng, có hiệu quả kinh tế cao. Nhận định được giá trị kinh tế mang lại từ yến sào, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa việc quản lý nghề nuôi yến vào Bộ luật Chăn nuôi Việt Nam năm 2018.

Về lợi thế quốc gia, yến sào Việt Nam được sản xuất với giá thành thấp hơn, nhưng chất lượng được coi là tốt nhất so với 4 nước sản xuất được yến sào trên thế giới là Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan.


Tuy nhiên, so với một nước có nguồn thu từ yến đứng thứ 4 trên thế giới là Indonesia thì số nhà nuôi yến đã lên đến con số 200.000. Hơn nữa, mức độ tiêu dùng yến tại Việt Nam còn rất thấp. Hiện nay, theo VSFA, số người dùng yến tổ chỉ chiếm dưới 2% và yến lọ khoảng 6% tổng dân số.

Bà Đỗ Tú Quân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VBEC, cho biết việc thành lập VBEC được phát triển từ ý tưởng khi bà tham gia cuộc thi Swiss Innovation do Đại học Bách Khoa TP.HCM tổ chức. Ý tưởng xây dựng chuỗi liên kết nâng cao giá trị sản phẩm tổ yến, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng đã được sự ủng hộ của lãnh đạo Sở Du lịch, Sở Nông nghiệp cùng Hiệp hội và huyện Cần Giờ. “Với sự hỗ trợ cực kỳ chuyên nghiệp của các huấn luyện viên quốc tế, tôi đã tự tay làm được một kế hoạch kinh doanh, mở ra con đường hoàn toàn mới trong việc thúc đẩy thương mại hóa yến sào”, bà Quân chia sẻ.

Ngoài ra, startup của bà Quân cũng đã xuất hiện trên chương trình Shark Tank Việt Nam và được Shark Nguyễn Xuân Phú chấp nhận đầu tư với 10 tỉ đồng.
Ngày 24.6 vừa qua, startup của bà Quân đã kết hợp với Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam xây dựng Trung tâm Sơ chế Yến sào Việt Nam để tăng độ nhận biết thương hiệu cho yến sào nước ta.

Hiện nay, Trung tâm Sơ chế Yến sào Việt Nam có tổng vốn đầu tư 100 tỉ đồng, chia thành 10 phân xưởng hoạt động độc lập. Mỗi phân xưởng có diện tích 1.000 m2, vốn xây dựng khoảng 10 tỉ đồng, sử dụng 120 lao động, mỗi năm sơ chế được 6 tấn tổ yến sạch từ 10 tấn nguyên liệu. Đến nay, VBEC đã có hơn 1.200 nhà yến tham gia vào chuỗi liên kết từ nhà yến tới thị trường. Hiệp hội cũng đã tổ chức các đoàn khảo sát cơ sở nhập khẩu yến sào của Tập đoàn Đông Nam Yến Đô tại Hạ Môn để xúc tiến xuất khẩu yến sào Việt Nam sang Trung Quốc.

Theo hợp đồng xuất khẩu đã được ký kết với Tập đoàn Đông Nam Yến Đô dưới sự chứng kiến của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, trong giai đoạn 1, mỗi năm Trung tâm Sơ chế Yến sào Việt Nam cung cấp 6 tấn tổ yến sạch cho đối tác. Ở giai đoạn 2, mỗi năm, Trung tâm tiếp tục cung cấp 60 tấn tổ yến sạch, tương đương với 100 tấn tổ yến nguyên liệu được tiêu thụ cho các nhà yến tham gia chuỗi liên kết.

Ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ: “Người tiêu dùng sẽ được sử dụng sản phẩm an toàn và chất lượng, để sản phẩm yến sào Việt Nam giữ vững được danh tiếng, không bị các sản phẩm giả mạo làm ảnh hưởng. Đồng thời, các nhà yến Việt Nam có thể bán được sản phẩm với giá cao và ổn định, để yến sào trở thành một sản phẩm mang lại nhiều ngoại tệ, đóng góp cho sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam”


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới