Hủy
Tài Chính

Đường đi của cổ phiếu giá 200.000 đồng

Viết Nguyên Thứ Ba | 10/01/2023 08:00

Vì còn thua lỗ, VNG chưa thể thỏa tiêu chí để niêm yết cổ phiếu trên sàn TP.HCM (HOSE) hay sàn Hà Nội (HNX). Ảnh: T.L

VNG vừa lên sàn UPCoM với giá 240.000 đồng/cổ phiếu. Ngay trong phiên đầu tiên, cổ phiếu VNZ của VNG không có người bán và giá vẫn giữ ở mức chào sàn.
 

Với mức giá này, ước tính giá trị vốn hóa của VNG đạt khoảng 360 triệu USD. So với định giá 1 tỉ USD của World Startup Report cách đây gần 10 năm,

Giá trị vốn hóa hiện tại của VNG đã giảm về bằng 1/3. Ảnh: T.L
Giá trị vốn hóa hiện tại của VNG đã giảm về bằng 1/3. Ảnh: T.L

Năm 2019, VNG thậm chí còn được Quỹ đầu tư Temasek (Singapore) định giá 2,2 tỉ USD (khoảng 1,8 triệu đồng/cổ phiếu). Gần đây hơn, năm 2021 VNG được Công ty quản lý quỹ Mirae Asset định giá ở mức 1,7 triệu đồng/cổ phiếu. Trong quá khứ (năm 2015) VNG từng phát hành gần 300.000 cổ phiếu cho một đối tác chiến lược với giá hơn 666.000 đồng mỗi cổ phần. Như vậy, trong hầu hết các thời kỳ, định giá cổ phiếu của VNG luôn cao hơn hiện tại. 

Thực tế, sau 18 năm hiện diện, từ chỗ chỉ là một công ty về game, VNG đã trở thành tên tuổi đình đám, từng được xem là kỳ lân công nghệ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực mà cốt lõi là trò chơi trực tuyến (ZingPlay), nền tảng liên kết (Zalo), tài chính và thanh toán (ZaloPay), thương mại dịch vụ đám mây (VNG Cloud).

 

Tính đến tháng 2/2022, theo Bộ Thông tin & truyền thông, Zalo đã đạt 74,7 triệu người dùng hoạt động hằng tháng, vượt qua cả Facebook Messenger (67,8 triệu người dùng). Riêng mảng game, từ 2 năm trước, theo báo cáo thường niên, ZingPlay đã đạt 8 triệu người dùng mỗi tháng tại thị trường nước ngoài. Game Võ Lâm Truyền Kỳ Mobile tiếp tục giữ vững doanh thu đứng đầu trong dòng trò chơi trực tuyến kiếm hiệp với lượng người dùng mới hằng tháng xấp xỉ 350.000 người. Perfect World Mobile, PUBG Mobile VN... cũng là những trò chơi thu hút.

Ông Lê Hồng Minh, sáng lập kiêm CEO của VNG, cho biết: “Bộ phận kinh doanh game chính là chìa khóa để VNG mở rộng ra quốc tế”. VNG hiện có mặt tại 130 quốc gia và dự kiến đạt 320 triệu người dùng toàn cầu vào năm 2023. Ông Vicente Nguyễn, CIO của AFC Vietnam Fund, thì nhận xét: “Chính hệ thống dữ liệu (database) với hàng trăm triệu người dùng mới là tài sản giá trị của VNG”. Vì thế, dù VNG đang lỗ hơn 700 tỉ đồng thì khi đạt điểm hòa vốn, VNG vẫn có cơ hội nhanh chóng chuyển từ lỗ sang lãi. Đó là lý do cổ phiếu của công ty công nghệ này vẫn được nhà đầu tư chọn lựa.

Đánh giá chung về nhóm cổ phiếu công nghệ, chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng, đầu tư vào công ty công nghệ đều ít nhiều có tính mạo hiểm. Mạo hiểm mà vẫn có thể kiểm soát rủi ro ở mức tốt nhất thì chỉ phù hợp với những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Theo nhận định của ông Vicente Nguyễn, những người quan tâm đến cổ phiếu VNG có thể sẽ là những nhà đầu tư có kinh nghiệm, kiến thức, có tầm nhìn dài hạn và phải rất trường vốn. Còn nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ khó có động lực chú ý đến cổ phiếu của VNG.

Vì còn thua lỗ, VNG chưa thể thỏa tiêu chí để niêm yết cổ phiếu trên sàn TP.HCM (HOSE) hay sàn Hà Nội (HNX). Doanh nghiệp này chọn cách xuất hiện trên sàn UPCoM, vốn đang là sân chơi của không ít doanh nghiệp lớn như Masan MEATLife, Tổng Công ty Dược Việt Nam, Becamex... Theo dữ liệu từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong 100 cổ phiếu tăng giá mạnh năm 2022, có đến 75 mã đang giao dịch ở sàn UPCoM. UPCoM cũng là sàn có nhiều cổ phiếu giá trên 100.000 đồng nhất, chiếm 10 mã trong tổng 19 mã, tính cả 3 sàn. 

 

Tuy nhiên, phần lớn đà tăng trên sàn UPCoM không thực chất và hạn chế của sàn này là thanh khoản của các cổ phiếu thường èo uột. Chẳng hạn, HLB của Công ty Bia và Nước Giải khát Hạ Long là cổ phiếu có thị giá cao, vượt 200.000 đồng/cổ phiếu từ ngày 12/1/2022 nhưng từ đó đến nay, nhiều phiên hầu như không ghi nhận khớp lệnh.

Một cổ phiếu khác có thị giá hơn 200.000 đồng là VCF của Vinacafé Biên Hòa cũng ở tình trạng tương tự, với giao dịch chỉ vài trăm cổ phiếu mỗi phiên và thường xuyên trắng giao dịch. Ông Vicente Nguyễn cho rằng, các cổ phiếu thị giá cao thường gặp thanh khoản thấp do kén nhà đầu tư. Tâm lý người Việt chỉ thích cổ phiếu có giá thấp, tương đối. Vì thế, nhiều khả năng VNG chỉ xem UPCoM là bước đệm và sẽ vẫn theo đuổi mục tiêu niêm yết sàn ngoại.

Từ năm 2017, VNG đã phát đi thông tin niêm yết chứng khoán ở Mỹ, thể hiện qua việc công ty này ký biên bản ghi nhớ với Sàn Chứng khoán Nasdaq (Mỹ). Tuy nhiên, như đại diện VNG từng chia sẻ: “IPO ở Nasdaq là thách thức không nhỏ”. Để niêm yết được trên Nasdaq, VNG phải đạt được những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt, từ kinh doanh, tài chính cho đến quản trị công ty... Mãi đến tháng 8/2022, VNG lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua việc sáp nhập với một SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt).

Tuy nhiên, theo chia sẻ mới nhất của VNG, Công ty đang hướng đến niêm yết thông qua hình thức IPO truyền thống, chứ không qua con đường SPAC. VNG đang nỗ lực gọi vốn từ 200-300 triệu USD và dự kiến dùng tiền này để củng cố kế hoạch mở rộng hoạt động. Ngoài ra, VNG đang tái cấu trúc hoạt động kinh doanh để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc niêm yết tại Mỹ 
 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới