Hủy
Tài Chính

Thời điểm tích lũy cổ phiếu ngân hàng

Việt Hà Thứ Tư | 04/01/2023 15:33

Hình ảnh tại Công ty Chứng khoán Mirae Asset. Ảnh: Quý Hòa.

Định giá ngành ngân hàng đã về mức thấp trong 10 năm qua.
 

Ngân hàng tiếp tục vượt bão 

Trong thập kỷ vừa qua, ngành ngân hàng đã trải qua ba chu kỳ nhưng cuối cùng định giá ngành ngân hàng, lại một lần nữa quay về mức thấp hơn một độ lệch chuẩn so với P/B trung bình 10 năm. Giai đoạn 2012-2016, ngành ngân hàng bắt đầu bước vào giai đoạn tái cơ cấu sau khi thị trường bất động sản đóng băng cùng với sự khó khăn của kinh tế toàn cầu. Sau đó, ngành ngân hàng tái khởi động, tích cực xử lý nợ xấu, thúc đẩy thu nhập ngoài lãi thông qua các hoạt động bảo hiểm, ngân hàng đầu tư,.. cùng với việc đẩy mạnh công nghệ nhằm thu hẹp chi phí hoạt động trong giai đọan 2017-2020. Giai đoạn 2020 đến nay, mặc dù ngành ngân hàng trải qua hai năm COVID đầy khó khăn, nhưng nhìn chung toàn ngành vẫn giữ được tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu quanh mức 20%. 

Trong báo cáo chiến lược thị trường năm 2023, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá năm 2023 ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hành trình vượt bão trong chu kỳ bất động sản đi xuống cùng với triển vọng kém tích cực của xuất nhập khẩu, nhưng khả năng chống chịu của từng ngân hàng sẽ tùy thuộc vào chất lựơng tài sản và mức độ thận trọng của ngân hàng trong những năm qua. Mặc dù đứng trước những rủi ro bất định từ vĩ mô thế giới cùng với nội tại nền kinh tế, VDSC nhận thấy rằng định giá ngành ngân hàng đã về mức thấp trong 10 năm qua. Do đó, khó khăn phía trước sẽ mang lại cơ hội lựa chọn và tích lũy cổ phiếu và nắm giữ dài hạn cho hành trình phục hồi và tăng trưởng trở lại từ năm 2024.

 

Trong năm 2023, VDSC cho rằng chất lượng tài sản ngành ngân hàng có thể bị suy giảm trong chu kỳ đi xuống của lĩnh vực bất động sản cùng với triển vọng xuất nhập khẩu kém tích cực. Dù vậy, sự suy giảm sẽ là khác nhau phụ thuộc vào mức độ phơi nhiễm với trái phiếu doanh nghiệp và cho vay bất động sản. Bộ đệm dự phòng dày sẽ giúp một số ngân hàng có chính sách thận trọng với hai mảng kinh doanh này thậm chí có thể tránh được sự suy giảm về chất lượng tài sản.

Định giá hấp dẫn 

Trong năm 2022, cổ phiếu ngân hàng trải qua hai đợt sụt giảm giá mạnh sau các sự kiện Tân Hoàng Minh vào tháng 4 và Vạn Thịnh Phát liên đới với ngân hàng SCB vào tháng 9/2022. Hai đợt sụt giảm này đã đưa định giá ngành về mức thấp trong 10 năm qua. VDSC cho rằng định giá này đang phản ánh một phần cho những rủi ro mà ngành ngân hàng đang và sẽ đối mặt trong giai đoạn tiếp theo. 

 

Dù vậy, VDSC cho rằng so với giai đoạn tái cơ cấu 2012 – 2013, khả năng ứng phó với rủi ro của ngành đã cải thiện hơn đáng kể khi mà (1) Mức độ sở hữu chéo giữa các ngân hàng giảm mạnh, (2) Tỉ lệ an toàn vốn cao, hầu hết các ngân hàng đã đáp ứng được yêu cầu tối thiểu theo chuẩn Basel II, và (3) Tỉ lệ dự phòng bao nợ xấu cao. Do vậy, mặc dù đánh giá triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ chậm lại đáng kể trong năm 2023, khả năng hồi phục sẽ nhanh hơn ngay sau khi kinh tế thế giới và trong nước khởisắc, thay vì phải mất nhiều năm tái cơ cấu như trước đây. 

Ở khía cạnh đầu tư, VDSC cho biết ACB và VCB là 2 cổ phiếu mà họ ưa thích bởi chính sách cho vay và quan điểm trích lập dự phòng thận trọng. “Chúng tôi tin rằng hai ngân hàng này sẽ là “những kẻ sống sót cuối cùng” nếu ngành ngân hàng phải chịu những tổn thất nặng nề bởi sự suy giảm của kinh tế. Do đó, nhà đầu tư ngại rủi ro có thể cân nhắc VCB và ACB cho mục tiêu nắm giữ dài hạn”, VDSC khuyến nghị. 

Bên cạnh đó, CTG, MBB và VPB cũng là những ngân hàng VDSC ưa thích bởi sự năng động và có lợi thế nhất định trong những mảng kinh doanh chiến lược mà các ngân hàng này đang theo đuổi. Do đó, khi định giá cổ phiếu của các ngân hàng này giảm mạnh về mức tương đương giai đoạn tái cơ cấu 2012 - 2013, VDSC cho rằng nhà đầu tư ưa thích cổ phiếu ngân hàng có thể xem xét giải ngân. 

Cuối cùng, TCB được VDSC đánh giá là ngân hàng tiên phong trong ứng dụng công nghệ số để phát triển mảng kinh doanh bán lẻ và đã có những thành công nhất định. Dù vậy, những lợi thế trong quá khứ của TCB như là trái phiếu doanh nghiệp hay hệ sinh thái với các doanh nghiệp bất động sản lớn đang gặp nhiều thách thức khi cả hai yếu tố trên đều đang gặp nhiều trở ngại trong ngắn hạn. “Chúng tôi kỳ vọng sau khi các nút thắt trên được cởi bỏ, TCB với nhiều kinh nghiệm ở mảng ngân hàng bán lẻ sẽ nhanh chóng tăng tốc. Do vậy, nhà đầu tư  cần quan sát chặt chẽ cho đến khi có diễn biến tích cực ở các sự kiện liên quan để ra quyết định đầu tư”, VDSC nhận định. 

Có thể bạn quan tâm 

"Khởi động" năm 2023, VN-Index tăng hơn 36 điểm


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới