Hủy
Thế giới

BIS: Mỹ, Nhật Bản có nguy cơ rơi vào vòng xoáy nợ công

Thứ Hai | 24/06/2013 07:55

Nợ công của Nhật Bản có thể lên 600% GDP và Mỹ lên tới 200% vào năm 2050, Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) cảnh báo.
 

Trong báo cáo thường niên vừa công bố, BIS cảnh báo, gánh nặng nợ của các nền kinh tế lớn sẽ tăng vọt nếu tăng trưởng kinh tế không bù đắp được chi phí đi vay tăng. Nợ công của Nhật Bản có thể lên tới 600% GDP vào năm 2050 do chi phí đi vay tăng 2 điểm phần trăm nếu chi tiêu của chính phủ tiếp tục không được kiểm soát. Trong khi đó, nợ công của Mỹ có thể lên tới 200% GDP.

Theo BIS, chính phủ một số nền kinh tế lớn hiện hưởng lợi từ nhờ chi phí đi vay thấp kỷ lục nhưng đồng thời, nợ công có xu hướng tăng khiến họ dễ bị ảnh hưởng hơn khi chi phí này tăng. Do đó, BIS cho rằng, các nước được hưởng lợi chi phí lãi vay thấp cần thắt chặt tài khóa nếu lợi suất trái phiếu (hay chi phí đi vay) bắt đầu tăng.

Lợi suất trái phiếu toàn cầu đồng loạt tăng tuần trước sau khi chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 19/6 cho biết, ngân hàng này có thể bắt đầu giảm quy mô chương trình mua trái phiếu chính phủ vào cuối năm nay và ngừng hoàn toàn vào năm 2014. Đây là tín hiệu cho thấy chi phí đi vay của các chính phủ sẽ tăng khi kinh tế Mỹ phục hồi. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 2,5% lần đầu tiên kể từ 21/6, từ mức thấp kỷ lục gần 1,4% hôm 25/7/2012.

BIS cảnh báo thêm, các chi tiêu liên quan đến vấn đề chăm sóc y tế và hưu trí sẽ làm tăng gánh nặng nợ công của Mỹ. Cụ thể, BIS, dự báo, chi phí cho y tế và hưu trái của Mỹ tính trên GDP sẽ tăng khoảng 9 điểm phần trăm giai đoạn 2013-2040, tăng mạnh nhất trong số các nước phát triển.

Trong báo cáo đưa ra hồi tháng 4, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, nợ công của Mỹ sẽ lên 108,1% GDP năm nay và 109,2% GDP năm 2014. Trong khi đó, tỷ lệ nợ công trên GDP của Nhật Bản và Anh năm 2013 được dự báo lần lượt là 245,4% và 93,6%.

Nguồn Bloomberg/Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới