Châu Á đối mặt biến động kinh tế khi Trump tái đắc cử
Ông Donald Trump cam kết áp thuế cao lên hàng nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asia.
Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai làm dấy lên nguy cơ mở màn cho một thời kỳ bất ổn kinh tế tại châu Á, khi các doanh nghiệp trong khu vực chuẩn bị đối mặt với đợt tăng thuế lớn từ Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử, Trump đã cam kết áp thuế suất lên tới 20% đối với hàng nhập khẩu từ mọi quốc gia, cùng mức thuế 60% hoặc cao hơn đối với hàng hóa từ Trung Quốc, quốc gia mà ông cáo buộc có hành vi thương mại không công bằng, làm suy yếu nền kinh tế Mỹ.
“Đó là một cách tiếp cận tiềm ẩn rủi ro cao. Hậu quả của việc này có thể dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu là điều khó lường”, ông Mark Linscott, Nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nam Á thuộc Hội đồng Đại Tây Dương và từng là đại diện thương mại Mỹ về Nam và Trung Á, nhận định.
Các chuyên gia kinh tế và chính trị dự báo mức thuế cao đối với hàng Trung Quốc sẽ đẩy nhanh quá trình tách rời giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, gây gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực. Nguy cơ Trung Quốc phản đòn cũng sẽ tăng cao, đe dọa hợp tác về biến đổi khí hậu và trí tuệ nhân tạo.
Các mức thuế dự kiến của Trump cũng sẽ ảnh hưởng tới các quốc gia xuất khẩu lớn ở châu Á như Ấn Độ và Nhật Bản. Những nước có sự phụ thuộc lớn vào cả Mỹ và Trung Quốc như Việt Nam, Malaysia, và Hàn Quốc có thể chịu ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên, một số quốc gia có thể hưởng lợi từ căng thẳng thương mại này. Hạn chế đầu tư vào Trung Quốc có thể khiến dòng vốn FDI chuyển hướng sang Ấn Độ, thúc đẩy ngành sản xuất máy tính, điện tử và dệt may của nước này, theo báo cáo của Moody’s ngày 8/10.
Các công ty sản xuất chip lớn của Đài Loan, như TSMC, cũng có thể tiếp tục đa dạng hóa sản xuất tại Mỹ. Hiện TSMC đang xây dựng một nhà máy chip tại bang Arizona, một dự án được khởi động trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden.
Thị trường tiền tệ cũng có thể gặp biến động. Nhà đầu tư lo ngại các chính sách tài khóa của Trump có thể gây lạm phát, cản trở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong việc cắt giảm lãi suất. Khi lãi suất Mỹ vẫn cao hơn đáng kể so với Nhật Bản, đồng yen có thể chịu áp lực giảm giá.
“Cùng với bất ổn địa chính trị và chính sách, chúng tôi dự đoán đồng USD sẽ mạnh lên, gây áp lực cho các đồng tiền châu Á”, ông Chim Lee, Chuyên gia phân tích cao cấp tại Đơn vị Tình báo Kinh tế, nhận định.
Trump cũng cam kết đẩy mạnh khai thác dầu khí, đi ngược lại chính sách năng lượng sạch của ông Biden. Ông phản đối Đạo luật Giảm Lạm phát năm 2022, vốn thu hút các khoản đầu tư hàng tỉ USD từ các công ty năng lượng xanh Hàn Quốc vào chuỗi cung ứng tại Mỹ, và tuyên bố sẽ thu hồi tất cả các khoản tài trợ chưa được sử dụng từ đạo luật này.
Nhà đầu tư tỉ phú John Paulson, người có thể trở thành Bộ trưởng Tài chính, trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal trước bầu cử cho biết năng lượng mặt trời và gió là nguồn năng lượng không hiệu quả và các khoản trợ cấp để khuyến khích chúng là lãng phí.
Các chuyên gia an ninh cho rằng tăng cường an ninh khu vực vẫn sẽ là ưu tiên dưới thời Trump, người đã giúp hồi sinh liên minh Bộ Tứ (Quad) giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc vào tháng 11/2017 sau một thập kỷ tạm ngừng. Tuy nhiên, chính sách bảo hộ và khuynh hướng cô lập của Trump có thể phá vỡ một số tiến bộ mà Biden đã đạt được trong việc củng cố quan hệ Mỹ - Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nhật Bản có thể phải giảm phụ thuộc vào Mỹ, theo phân tích.
Tuy nhiên, khuynh hướng cô lập và bảo hộ của Trump có thể làm giảm tiến bộ mà Biden đã đạt được trong việc tăng cường quan hệ của Mỹ với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nhật Bản có thể tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ, theo các nhà phân tích.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump từng tuyên bố Mỹ sẽ ủng hộ Hiệp ước Phòng thủ Chung, cam kết can thiệp nếu Philippines bị tấn công. Tuy nhiên, việc Trump chú trọng thương mại làm tăng lo ngại ở Manila. “Để bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ, chúng ta cần liên minh do Mỹ dẫn dắt ổn định và có chính sách nhất quán. Khuynh hướng cô lập của Trump dấy lên lo ngại về khả năng Mỹ duy trì vai trò lãnh đạo khu vực”, ông Dindo Manhit, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Stratbase ADR tại Manila, cho biết.
Quan điểm của Trump về Đài Loan khá khó đoán. Là tổng thống đắc cử năm 2016, ông đã tăng cường quan hệ với Đài Loan qua cuộc gọi với Tổng thống Đài Loan khi đó là Thái Anh Văn. Tuy nhiên, ông cũng từng phàn nàn về sự phụ thuộc của Mỹ vào công nghiệp bán dẫn Đài Loan và cho rằng Đài Bắc nên trả chi phí nếu muốn Mỹ bảo vệ.
Phong cách đối ngoại cá nhân của Trump cũng là yếu tố khó đoán. Trong nhiệm kỳ của ông, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã xây dựng quan hệ cá nhân thân thiết với ông Trump. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là liệu các lãnh đạo khác của Nhật có thể làm được điều tương tự hay không.
Ông Trump từng ca ngợi mối quan hệ với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, nhưng các chuyên gia cho rằng khó có khả năng “tình bạn” này tái diễn khi ông Trump sẽ bận rộn với các xung đột tại Trung Đông và châu Âu.
Có thể bạn quan tâm:
Báo Mỹ nói: Ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ 2024
Nguồn Nikkei Asia
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thanh Hằng