Hủy
Thế giới

Quyền lực mềm của bà Yingluck giúp Thái Lan mở rộng đầu tư nước ngoài

Thứ Ba | 31/07/2012 13:22

Campuchia, Lào, Việt Nam và Myanmar là những thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp Thái đang hướng tới.
 

Theo tỷ phú Thapana Sirivadhanabhakdi, ông chủ của một đế chế kinh doanh từ bia đến bất động sản ở Thái Lan, thủ tướng Yingluck Shinawatra với phong cách kiên nhẫn, lịch sự, khoan dung và tính linh hoạt là "biểu tượng cho quyền lực mềm của Thái Lan" đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ở nước này tăng cường đầu tư ra nước ngoài.

Thủ tướng Yingluck là người phụ nữ quyền lực đã giúp khôi phục lại sự ổn định chính trị ở Thái Lan từ khi bà nhậm chức vào tháng 8 năm ngoái, tỷ phú Thapana nói thêm.

Bà Yingluck, 45 tuổi đã cam kết cai trị đất nước theo tinh thần thỏa hiệp hòa giải giữa những người ủng hộ và phản đối cựu lãnh đạo Thaksin, anh trai của bà. Theo đó, bà đã thực hiện các bước dần cải thiện quan hệ với quân đội và chính phủ, thiết lập môi trường để phát triển kinh tế của Thái Lan.

Tỷ phú Thapana, con trai của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi là người điều hành các cuộc đàm phán về việc mở rộng hoạt động kinh doanh sang nước ngoài. Tập đoàn bia rượu lớn nhất Thái Lan Thai Beverage Pcl của ông Thapana hiện đang cân nhắc đầu tư sang Myanmar.

Quốc gia láng giềng đang tiến hành chuyển đổi chính trị Myanmar có thể cung cấp một thị trường tiêu thụ rộng lớn với hơn 60 triệu người cho các doanh nghiệp Thái Lan.

Trước đó, trong tháng 7, Thai Beverage cho biết đã thực hiện thương vụ lớn nhất trong lịch sử khi đồng ý trả 2,2 tỷ USD mua lại 22% cổ phần của tập đoàn Fraser & Neave (F&N) trụ sở tại Singapore, là cổ đông của Asia Pacific Breweries (APB) - chủ sở hữu hãng bia Tiger.

Kế hoạch đầu tư sang Myanmar của tỷ phú Thapana phản ánh xu hướng các công ty Thái Lan mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài ngày càng tăng.

Sau khi vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và khắc phục hậu quả của đợt lũ năm ngoái, các công ty Thái Lan đang tìm kiếm cơ hội đầu tư sang nước ngoài, bao gồm các thị trường tiêu thụ tiềm năng chưa được khai thác như Campuchia, Lào, Việt Nam và Myanmar.

Theo ước tính của Bloomberg, tổng số vốn đầu tư nước ngoài của Thái Lan từ đầu năm 2008 đến ngày 18/7/2012 lên tới 20,4 tỷ USD, tăng gấp 14 lần tổng số vốn giai đoạn từ 2003 đến 2007.

Trong đó, các doanh nghiệp dẫn đầu trong việc đầu tư ra nước ngoài bao gồm tập đoàn thức ăn chăn nuôi CP Charoen Pokphand Foods Pcl (CPF), nhà sản xuất than Banpu Pcl (BANPU), công ty năng lượng PTT Pcl (PTT), Siam Cement Pcl (SCC), tập đoàn đồ đông lạnh Thai Union Frozen Products Pcl (TUF).

Chính phủ Thái Lan khuyến khích, hỗ trợ tối đa làn sóng này bằng cách giảm mạnh thuế thu nhập cho các doanh nghiệp từ 30% xuống chỉ còn 23% bắt đầu từ tháng 1 năm nay, và dự kiến sẽ còn tiếp tục giảm xuống 20% vào năm tới, tỷ phú gốc Ấn Độ sở hữu công ty Indorama Ventures của Thái Lan cho biết.

Trong tháng 5, ngân hàng trung ương Thái Lan nâng dự báo tăng trưởng năm 2012 lên 6%, cao hơn so với dự báo 5,7% trong tháng 3.

Kinh tế Thái Lan - lớn thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á sau Indonesia, đang trở thành một điểm sáng trong bối cảnh khủng hoảng khu vực nợ công châu Âu ngày càng tồi tệ, kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm và Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ có thể rơi vào suy thoái.

Nguồn Bloomberg/Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới