Hủy
Thế giới

Trung Quốc sắp xử thêm một gia tộc?

Thứ Sáu | 24/10/2014 09:36

Nếu vụ án chống lại ông Lệnh Kế Hoạch tiếp diễn, đây sẽ là bê bối chính trị lớn nhất từ sau vụ của ông Chu Vĩnh Khang.
 

Cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc đang siết chặt vòng vây quanh gia đình đầy quyền lực của ông Lệnh Kế Hoạch, một trong những cánh tay phải lâu năm của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

“Không vội vã”

Ông Lệnh Hoàn Thành, em út trong số 5 anh chị em họ Lệnh, gần đây đã rời Trung Quốc sang Mỹ. Tuy nhiên, một số nguồn tin tiết lộ Lệnh Hoàn Thành sau đó đã trở lại Trung Quốc, nơi ông đang bị điều tra. Hiện chưa rõ doanh nhân này tự nguyện trở về hay đây là nỗ lực phối hợp giữa Washington và Bắc Kinh.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho rằng việc bắt giữ Lệnh Hoàn Thành sẽ giúp cơ quan chức năng chuẩn bị xử lý ông Lệnh Kế Hoạch, nhân vật quyền uy nhất của gia tộc này.

Các nguồn tin khẳng định Lệnh Kế Hoạch có thể bị điều tra ngay sau khi kết thúc phiên họp toàn thể lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 trong ngày 23-10.

Theo một nguồn tin, Chủ tịch Tập Cận Bình và Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn “không vội vã” hoàn tất cuộc điều tra ông Lệnh Kế Hoạch mà sẽ để các điều tra viên thu thập bằng chứng, củng cố hồ sơ vững chắc trước khi hành động.

Các nguồn tin khẳng định cơ quan điều tra đã hình thành danh sách những người thân cận với Lệnh Kế Hoạch và gia đình, sau đó gửi những cái tên này tới mọi ngân hàng tại đại lục yêu cầu cung cấp thông tin tài chính.

Các điều tra viên cũng sử dụng siêu máy tính để sục sạo trong hàng núi dữ liệu để truy tìm dấu vết của các dòng tiền phi pháp. Nếu vụ án chống lại ông Lệnh Kế Hoạch tiếp diễn, đây sẽ là bê bối chính trị lớn nhất kể từ sau khi cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang bị điều tra.

Kỷ luật 6 quan chức cấp cao

Theo báo The Straits Times, ông Chu Vĩnh Khang có thể bị khai trừ đảng và giao cho công tố viên luận tội tham nhũng cùng các tội danh khác sau phiên họp toàn thể nêu trên.

Ngoài ra, đã có 6 quan chức cấp cao bị khai trừ khỏi Ban Chấp hành Trung ương tại phiên họp này, gồm: cựu Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý tài sản nhà nước Tưởng Khiết Mẫn, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Lý Đông Sinh, Phó Bí thư tỉnh Tứ Xuyên Lý Xuân Thành, cựu Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc Vương Vĩnh Xuân, cựu Bí thư Thành ủy Quảng Châu Vạn Khánh Lương, cựu Tư lệnh Quân khu Tây Tạng Dương Kim Sơn.

Trong một nỗ lực chống tham nhũng khác, chính quyền tỉnh Quảng Đông đã lên kế hoạch loại các “quan chức trần trụi” - có thành viên gia đình di cư ra nước ngoài - khỏi các vị trí cấp cao, trọng yếu. Những đối tượng vừa nêu sẽ không được phép đảm nhận các công việc quan trọng và nhạy cảm như liên quan đến an ninh, tài chính, nguồn nhân lực, kế toán…

Chính quyền Quảng Đông cho biết trong năm nay, hơn 850 "quan chức trần trụi" đã bị buộc thôi việc. Nằm gần đặc khu Hồng Kông và có tỉ lệ di cư cao nên Quảng Đông trở thành điểm nóng của chiến dịch chống tham nhũng. Lợi dụng chính sách thu hút vốn đầu tư của Hồng Kông, mỗi quan chức đại lục tẩu tán hơn 1 triệu USD, bao gồm cả việc mua nhà ở tại các quốc gia châu Phi xa xôi - theo Reuters.

Nguồn Người Lao Động


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới