Hủy
Công Nghệ

Chiến lược thông minh của Hello Clever

Phi Vũ Thứ Ba | 23/05/2023 07:00

Trong vòng 2 năm, Hello Clever có hơn 40.000 người sử dụng, 1.000 cửa hàng và hơn 100 ngân hàng chấp nhận phương thức thanh toán của Công ty. Ảnh: FT

Dùng chung hạ tầng của Ngân hàng Trung ương, nền tảng fintech 2 năm tuổi Hello Clever nằm trong Top50 công ty fintech có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở Úc.
 

Clever có nghĩa là thông minh, một thông điệp mà Trần Thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Hiếu Triệu Vỹ gửi đến các khách hàng ở Úc khi tiêu dùng trực tuyến.

Nền tảng này được xây dựng dựa trên công nghệ PayTo, phương thức thanh toán theo thời gian thực của Ngân hàng Trung ương Úc. Đây là đề án của Chính phủ nhằm hạn chế các giao dịch trực tuyến lừa đảo ở Úc.

Tiêu dùng thông minh 

Về cơ bản các giao dịch thanh toán sẽ được thực hiện từ tài khoản ngân hàng của bên bán và bên mua thông qua nền tảng PayTo, giúp việc chuyển tiền nhanh và chính xác hơn. Nó được ủng hộ bởi tất cả các hệ thống ngân hàng Úc.

Nhưng vấn đề ở chỗ các ngân hàng Úc và PayTo là nền tảng, họ cần các ứng dụng thực tế trong giao dịch hằng ngày để thu hút người dùng tham gia. Các nhà sáng lập của Hello Clever nhận ra tiềm năng của hình thức này trong việc thu hút khách hàng quay trở lại, đó là hoàn tiền.

“Về cơ bản, các cửa hàng đều có chi phí tiếp thị hằng năm để giữ chân khách hàng. Vậy thì sao không hoàn tiền trực tiếp cho họ khi mua hàng đạt yêu cầu chương trình nào đó, vì đó là lợi ích thiết thực nhất”, Quỳnh nói.

Chính vì thế, hoạt động của Hello Clever rất đơn giản. Khi khách hàng dùng Hello Clever để thanh toán các khoản mua sắm trực tuyến, họ sẽ được hoàn tiền lập tức, không phải đợi 60 ngày như ShopBack hoặc phải quy đổi điểm thưởng như các ứng dụng chăm sóc khách hàng trung thành trên thị trường.

 

Tuy nhiên, đó chưa phải là điểm mạnh lớn nhất của Hello Clever. Mức phí 2% cho mỗi giao dịch, cũng là nguồn thu chính của Công ty tính đến thời điểm hiện tại, mới là yếu tố tạo ra sự bùng nổ. Mức phí này khá thấp so với mức trung bình 4-6% (như Afterpay - ứng dụng mua trước trả sau lớn nhất Úc) hiện nay.

“Ví dụ đơn giản nhất là chúng tôi như một nền tảng thanh toán tích hợp thêm chức năng giữ chân khách hàng cho các cửa hàng kinh doanh trực tuyến với mức phí cạnh tranh nhất”, Nguyễn Hiếu Triệu Vỹ, người phụ trách hạ tầng kỹ thuật của Hello Clever, giải thích thêm.

Cứ thế trong vòng 2 năm, Hello Clever có hơn 40.000 người sử dụng, 1.000 cửa hàng và hơn 100 ngân hàng chấp nhận phương thức thanh toán của Công ty. 4,5 triệu USD là con số mà Hello Clever huy động được từ các quỹ mạo hiểm tính đến thời điểm hiện tại.

Cặp bài trùng

Trần Thị Thúy Quỳnh tốt nghiệp Đại học Công nghệ Sydney ngành tài chính và kế toán thương mại. Cô cũng chính là người khởi đầu cho cuộc hành trình của Hello Clever.

Năm 2015 trong một lần họp lớp với bạn học trung học trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long), cô gặp lại Vỹ. Quỳnh không lạ gì với thành tích học tập và khả năng của Vỹ nên cả 2 bắt đầu hợp tác làm các dự án nhỏ từ đó. Đến năm 2020, cả 2 quyết định khởi nghiệp chung.

Đó cũng là thời điểm Ngân hàng Trung ương Úc phát triển PayTo và kêu gọi các bên tham gia, Quỳnh đã đi làm ở Úc nên cô đảm trách việc tìm hiểu các luật liên quan, yêu cầu về kỹ thuật và tiến hành gặp gỡ các nhà đầu tư để huy động vốn.

Do thời điểm COVID-19 nên việc đi lại bị hạn chế, phần lớn là các cuộc gặp trực tuyến nhưng đó cũng là điểm tích cực vì có thể gặp được nhiều nhà đầu tư hơn. Quỳnh nhớ lại cô đã gặp hơn 100 nhà đầu tư từ cá nhân cho đến quỹ để hoàn thành các vòng gọi vốn.

“Có rất nhiều nhà đầu tư từ chối do quy mô Công ty lúc đó nhỏ, chúng tôi lại còn trẻ nên họ nghĩ không phù hợp với ngành tài chính vì chưa có kinh nghiệm”, Quỳnh nhớ lại.

Việc lựa chọn phục vụ tập khách hàng mua sắm trực tuyến là có tính toán từ trước vì đây là tập khách hàng có thể tiếp cận và phục vụ quy mô lớn với nguồn nhân lực không quá 50 người. Mặt khác, đây cũng là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất trong giai đoạn 2023-2027.

 

Theo Statista, giá trị thị trường thanh toán kỹ thuật số ở Úc có quy mô 107,9 tỉ USD năm 2023 và dự kiến đạt 188 tỉ USD vào năm 2027, với CAGR 14,89%. Trong đó, thị trường lớn nhất là thanh toán thương mại điện tử với 66 tỉ USD năm 2023 và dự kiến đạt 100 tỉ USD vào năm 2027.

Lợi thế lớn nhất của Hello Clever là có thể triển khai các dịch vụ với chi phí công nghệ cạnh tranh do đội ngũ R&D đặt ở Việt Nam, vốn có rất nhiều kinh nghiệm nhờ vào sự bùng nổ của mô hình fintech trong nước kể từ năm 2017 cho đến nay.

Nếu như Quỳnh lo về đối ngoại thì Vỹ đóng vai trò hậu cần của Hello Clever. Từng startup, từng làm việc ở các công ty công nghệ lớn nên Vỹ hiểu rõ vai trò lớn nhất của công nghệ là phải tạo được giá trị cho xã hội với nguồn nhân lực vừa phải.

Điểm chung của cả 2 là rất “máu lửa”. Thời điểm Ngân hàng Trung ương Úc công bố nền tảng PayTo, trong khi các bên đang tranh cãi về khả năng của nó thì Hello Clever tham gia đầu tiên.

Điểm yếu của Quỳnh và Vỹ là chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực fintech nhưng đó cũng là điểm mạnh của Hello Clever khi tiếp cận thị trường với nhiều góc nhìn mới, không bị ràng buộc về chi phí được tạo nên bởi các mô hình tài chính cũ. “Đó là cách chúng tôi tạo ra mức phí như hiện nay”, Vỹ nói.

Nhưng con đường của Hello Clever không hẳn là bằng phẳng vì PayTo là nền tảng công nghệ chung, có ít nhất 4 công ty tại Úc ở thời điểm hiện tại đang tham gia cùng với Hello Clever. Trong thế giới công nghệ là cuộc đua dài, lợi thế tiên phong cũng không làm giảm rủi ro trong tương lai.

Quỳnh cho biết với mô hình như dùng chung hạ tầng của Ngân hàng Trung ương như Hello Clever, để tạo lợi thế vững chắc thì phải phát triển theo chiều ngang tức là mở rộng thêm nhiều dịch vụ phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp và tiện lợi để giữ chân người dùng.

Ở Úc, Hello Clever sẽ ra mắt các tính năng mới như đầu tư thông minh, tích lũy điểm thưởng thông minh. Bên cạnh đó, Công ty sẽ mở rộng sang các thị trường có hạ tầng thanh toán đang được Ngân hàng Trung ương hỗ trợ như Úc, ví dụ như Singapore, Indonesia… “Sẽ cần nguồn vốn để phát triển, tuy nhiên chúng tôi sẽ không mở rộng bằng mọi giá”, Quỳnh nói.

Có thể bạn quan tâm:

Lối tắt cho “A.I tạo sinh”


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới