Hủy
Kinh Doanh

Bán lẻ hãm phanh

Thiện Hà Thứ Hai | 19/12/2022 14:00

Trong bối cảnh độ trễ của các áp lực vĩ mô bắt đầu thẩm thấu, ngành bán lẻ đang đứng trước nhiều áp lực tăng trưởng.
 

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trưởng 25,3% trong 10 tháng đầu năm, từ mức nền thấp của năm 2021. Đặc biệt, nếu loại trừ yếu tố giá, doanh số bán lẻ hàng hóa đã tăng gần 17%, cao hơn cả mức trước đại dịch. Còn theo dữ liệu của Google, xu hướng di chuyển đến cửa hàng bán lẻ và giải trí của Việt Nam cũng đã vượt mức trước dịch gần 5%.

Người tiêu dùng thắt chặt hầu bao

Các con số tích cực có lẽ chưa phản ánh đúng thực tế, do tác động của độ trễ, sức mua tiêu dùng đến bây giờ mới bắt đầu “ngấm đòn” từ các biến số vĩ mô như lạm phát và lãi suất. “Đây là một năm rất lạ lùng, thay vì công nhân phải tăng ca, thì bây giờ công nhân lại phải chia ca, 1 tháng chỉ làm 14 ngày, 14 ngày còn lại nghỉ”, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động, phát biểu tại buổi họp mặt nhà đầu tư.

 

Nhận định này đưa ra trong bối cảnh Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết đã có hơn 1.600 người lao động bị cho thôi việc từ đầu năm. Khi công việc và thu nhập suy giảm, ông chủ của Thế Giới Di Động cho rằng người tiêu dùng buộc phải thắt chặt hầu bao. “Trong lúc khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, những thứ không cần xài thì họ nỗ lực không xài, những thứ buộc phải xài thì họ có khuynh hướng tìm những thứ rẻ tiền hơn để xài, đó là điều sẽ diễn ra trong thời gian tới”, ông Tài nói.

Thực tế, Thế Giới Di Động công bố kết quả kinh doanh tháng 10 với sự sụt giảm rõ rệt về nhu cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm điện tử tiêu dùng và điện thoại di động. Theo đó, doanh thu tháng 10 của Công ty đạt 10.884 tỉ đồng (tăng 3,3% so với tháng trước, giảm 10,7% so với cùng kỳ) mặc dù bước vào mùa tiêu thụ cao điểm quý IV/2022 và chuẩn bị cho các sự kiện lớn như World Cup. Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld) cũng công bố kết quả sơ bộ tháng 10 cho thấy doanh thu giảm 40% so với cùng kỳ do doanh số bán điện thoại thông minh và các sản phẩm điện tử tiêu dùng thấp hơn kế hoạch.

Điều đáng nói là áp lực tác động tới các doanh nghiệp bán lẻ như Thế Giới Di Động, Digiworld mới chỉ ở giai đoạn đầu. “Chúng tôi nhận thấy dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang thắt chặt hầu bao trong bối cảnh lãi suất tăng và sự suy yếu của các ngành thâm dụng lao động”, báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định.
VNDirect cho rằng tình trạng suy thoái này có thể kéo dài đến quý III/2023 và dần phục hồi đà tăng trưởng nhờ: (1) tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm lại trong năm 2023 khi lãi suất điều hành Mỹ dần hạ nhiệt; (2) biến động vĩ mô tại Việt Nam đang dần ổn định, giúp nâng cao niềm tin tiêu dùng của người dân; (3) tiêu dùng phục hồi tại khu vực EU và Mỹ mang lại đơn hàng cho các khu công nghiệp Việt Nam; và (4) lương cơ sở dự kiến sẽ tăng 20,8% so với hiện hành lên mức 1,8 triệu đồng/tháng.

Đồng quan điểm, ông Tài cho rằng: “Tình hình này sẽ kéo dài trong bao lâu, khó dự báo, nhưng sớm nhất chắc phải đến hết quý I năm sau. Nếu tình hình thế giới tiếp tục bất ổn, thậm chí khó khăn có thể kéo dài đến quý II, quý III/2023. Tuy nhiên, đến quý IV, tình hình sẽ dễ thở hơn rất nhiều và từ từ mọi thứ sẽ ổn định”.

Doanh nghiệp bán lẻ thận trọng

Trước những áp lực đó, sau khi ngừng mở rộng chuỗi Bách Hóa Xanh, Thế Giới Di Động cũng cho biết sẽ dừng mở thêm chuỗi nhà thuốc An Khang do thị trường đang gặp nhiều biến động và khó khăn. Tính đến cuối quý III, An Khang mới chỉ vận hành được 529 cửa hàng, cách khá xa mục tiêu tuyên bố từ đầu năm là 800 nhà thuốc.

“Việc chậm lại một nhịp cho hơn 500 cửa hàng như vậy cũng là cơ hội để đánh giá, nhìn nhận lại, tối ưu hóa tất cả mọi thứ với 500 cửa hàng này”, ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên Hội đồng Quản trị Thế Giới Di Động, cho biết.

 

Hoạt động mở rộng kinh doanh của một số nhà bán lẻ lớn cũng đang dừng lại hoặc giảm tốc trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế. Trong đó, số lượng cửa hàng Bách Hóa Xanh, Circle K có mức giảm so với đầu năm cho thấy sự thận trọng của các chuỗi bán lẻ trước diễn biến thị trường hiện tại. Việc mở rộng chuỗi nhà thuốc An Khang của Thế Giới Di Động và Long Châu của FPT Retail cũng đã bị trì hoãn/chậm lại kể từ quý III/2022.

Cùng góc nhìn kém khả quan, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng mức lợi nhuận mục tiêu 300 tỉ đồng trong quý IV của Digiworld là quá tham vọng và khó có khả năng hoàn thành. BVSC do đó đã điều chỉnh giảm dự báo năm 2022 của Digiworld, thậm chí còn đưa ra kịch bản tăng trưởng âm trong năm 2023, với doanh thu và lợi nhuận sụt giảm lần lượt 5% và 13% so với năm trước.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới