Công bố 6 đạo luật mới
Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung đọc lệnh của Chủ tịch nước công bố 6 đạo luật mới, sáng 10/7. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, điểm mới quan trọng đột phá mạnh mẽ là sửa đổi quy định các đối tượng “có trách nhiệm tham gia BHYT” thành “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc” nhằm khẳng định mọi đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT để thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân.
Luật cũng bổ sung quyền lợi, nâng mức hưởng bảo hiểm y tế và mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT. Theo đó, bỏ quy định chi trả 5% đối với người nghèo, bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ, giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ gia đình cận nghèo, quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm không quá 6 tháng lương cơ sở.
Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam trình bày cho biết, Luật tạo nhiều thuận lợi cho người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của tại Việt Nam tham quan, du lịch, tìm hiểu thị trường, hợp tác đầu tư, kinh doanh, học tập… đồng thời đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Một trong những quy định được mọi người quan tâm là thị thực không được chuyển đổi mục đích nhằm đảm bảo công tác quản lý, khắc phục tình trạng người nước ngoài xin vào Việt Nam du lịch sau đó lại làm việc tại các công trình, dự án, dạy học như thời gian qua.
Về Luật Xây dựng, theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, nguyên tắc cơ bản và cũng là nội dung cốt lõi của Luật này là đổi mới phương thức và nội dung quản lý dự án, nhất là các dự án sử dụng vốn Nhà nước, khắc phục thất thoát và lãng phí, nâng cao chất lượng các công trình xây dựng. Luật Xây dựng 2014 với nhiều điểm mới sẽ tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu trong quá trình đầu tư xây dựng, đảm bảo công khai, minh bạch về quy trình cấp giấy phép xây dựng; khắc phục trình trạng quy hoạch chồng lấn, quy hoạch treo, đảm bảo dự án đầu tư xây dựng đúng mục tiêu, chất lượng, hiệu quả, nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước về xây dựng.
Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, so với Luật Quốc tịch 2008 thì Luật Quốc tịch 2014 có một số sửa đổi bổ sung quan trọng như không quy định về thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam và bổ sung quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại điều 11 của Luật này thì đăng ký với cơ quan đại diện để được cấp quốc tịch và hộ chiếu Việt Nam.
Về Luật Công chứng, cũng theo đại diện Bộ Tư pháp, có những nội dung cơ bản quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý Nhà nước về công chứng, phạm vi công chứng được mở rộng hơn. Luật tập trung quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng quy mô lớn, hoạt động ổn định, nâng cao chất lượng của hoạt động công chứng.
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có những điểm mới sửa đổi bổ sung nổi bật như sửa đổi các quy định về kết hôn (độ tuổi kết hôn; bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính song “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”).
Ngoài ra, Luật cũng bổ sung quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, việc bổ sung này nhằm mục đích đáp úng nhu cầu của các cặp vợ chồng muốn có con nhưng người vợ hoặc chồng không thể mang thai.
Nguồn Chinhphu.vn
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư