Hủy
Kinh Doanh

Cuộc chơi mới của Dragon Capital tại các cổ phiếu Midcap

Thứ Tư | 12/11/2014 08:27

JVC, KBC, SAM là 3 cái tên mới nhất trong danh muc đầu tư của các nhóm đầu tư liên quan đến Dragon Capital.
 

Bên cạnh việc đầu tư vào các mã cổ phiếu vốn hóa lớn (Largecap) của thị trường chứng khoán Việt Nam gồm MSN, VNM, HPG, FPT…, thời gian gần đây quỹ đầu tư Dragon Capital có xu hướng chuyển sang các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ (Midcap và Smallcap) với mức tăng trưởng giá cổ phiếu khá ấn tượng. Quỹ này đã đẩy mạnh sở hữu tại 3 mã cổ phiếu JVC, KBC và SAM.

Dù mức sở hữu của Dragon Capital tại các mã Midcap rất nhỏ so với các mã Largecap nhưng động thái tăng sở hữu và chính thức trở thành cổ đông lớn tại 3 doanh nghiệp kể trên cũng cho thấy mức độ quan tâm nhất định của quỹ đầu tư này trong việc mở rộng danh mục đầu tư.

Các mã vốn hóa lớn trong danh mục đầu tư của Dragon Capital Các mã vốn hóa lớn trong danh mục đầu tư của Dragon Capital
Các mã vốn hóa lớn trong danh mục đầu tư của Dragon Capital

JVC, KBC, SAM đã chiến thắng thị trường chung từ đầu năm 2014 đến nay. Tính từ ngày 5/8 đến 10/11/2014, VN-Index chỉ tăng 14% trong khi JVC đã tăng 68,5%, KBC tăng 89% và SAM tăng 66%.

Mức tăng ấn tượng của các mã cổ phiếu này không chỉ đơn thuần chịu ảnh hưởng của những con sóng trên thị trường chứng khoán mà còn đến từ kỳ vọng vào nội lực của bản thân doanh nghiệp.

Diễn biến VN-Index, JVC, KBC, SAM từ ngày 8/5 đến nay
Diễn biến VN-Index, JVC, KBC, SAM từ ngày 8/5 đến nay

JVC- Tiềm năng lợi nhuận đến từ việc mở rộng kinh doanh?

Vào ngày 17/10/2014, hai đơn vị đầu tư trực thuộc Dragon Capital là Amersham Industries Limited và Balestrand Limited đã mua 436 ngàn cổ phiếu JVC, nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,43% lên 5,13%, chính thức trở thành cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật JVC. Tiếp đó vào ngày 28/10/2014, nhóm cổ đông này tiếp tục mua vào 252,75 ngàn đơn vị JVC, nâng tỷ lệ sở hữu từ 5,88% lên 6,28%.

Theo báo cáo phân tích của VCSC, JVC đã mở rộng 2 phân khúc kinh doanh mới gồm: (1) Các trung tâm y khoa kỹ thuật cao tại ba bệnh viện, Bệnh viện 115, Bệnh viện Gia Định và Bệnh viện 7A, dự kiến sẽ mang lại doanh thu lần lượt từ tháng 9/2014, 11/2014 và 1/2015 trở đi. JVC đã đầu tư khoảng 316 tỷ đồng vào trang thiết bị cho các trung tâm này, và được chia 70% tiền khám. VCSC cho rằng đây là một lĩnh vực có tiềm năng lớn vì 3 bệnh viện này hiện chỉ đáp ứng được 40%-60% nhu cầu, và 30% tiền khám còn lại sẽ thuộc về bệnh việc thay vì nhà nước, có lợi cho cả 2.

(2) Liên doanh với đối tác Nhật Bản để làm trung gian tổng thầu vật tư tiêu hao cho các bệnh viện. Liên doanh này có thể đi vào hoạt động từ cuối năm nay hoặc đầu năm 2015, vì JVC đã được Bộ Y tế cấp phép thử nghiệm mô hình này tại 2 bệnh viện công (khoảng 1.000 giường tại mỗi bệnh việc). Dự án này sẽ giúp JVC tăng mạnh doanh thu nếu thành công, vì theo ước tính của công ty, đối với một bệnh viện quy mô tương đương hai bệnh viện công nói trên, doanh thu từ lĩnh vực này có thể lên đến 50 triệu USD/năm/bệnh viện.

JVC công bố kết quả kinh doanh quý III/2014 với doanh thu đạt 302,33 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ và lợi nhuận 74,16 tỷ đồng lợi nhuận, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, JVC đạt lợi nhuận sau thuế 107,28 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2013.

KBC- Tái cơ cấu doanh nghiệp

Vào ngày 8/10, nhóm nhà đầu tư liên quan đến Dragon Capital gồm Grinling International, VEIL, The CH/SE Asia Investment, Vietnam Enternational chính thức trở thành cổ đông lớn tại Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Kinh Bắc bằng việc nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,7% lên 5,21%, tương đượng số lượng cổ phiếu nắm giữ 20,3 triệu đơn vị.

Tiếp đó và ngày 13/10, Grinling International Limited tiếp tục mua vào 3,5 triệu cổ phiếu KBC và nâng tỷ lệ sở hữu của cả nhóm Vietnam Enterprise Investment- một quỹ đầu tư thuộc Dragon Capital, tại KBC từ 5,98% lên 6,88%.

Kinh Bắc cũng cho biết, Dragon Capital còn đăng ký mua 375 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi trong số 1.200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi mà KBC chuẩn bị phát hành.

KBC hiện chưa công bố kết quả kinh doanh quý III/2014. Tính đến thời điểm cuối tháng 6/2014, số dư các khoản vay ngắn hạn và dài hạn của KBC lần lượt là 2.699 tỷ đồng và 952,7 tỷ đồng. Nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ vay này là rất nặng nề, và nếu nhìn vào dòng tiền có thể thấy KBC đang chịu áp lực khá lớn.

Khoảng thời gian cuối tháng 9 - đầu tháng 10/2014, KBC liên tục công bố các thông tin có khả năng tác động tới giá cổ phiếu như việc ký biên bản ghi nhớ hợp tác với LGE, việc dự kiến thu về 3.000 tỷ đồng từ việc phát hành 120 triệu cổ phiếu và 1.200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, hay như việc công bố “triển vọng kết quả kinh doanh”. Những thông tin này đã được phản ánh vào mức tăng của giá cổ phiếu KBC ngay lập tức.

SAM- Vẫn còn là ẩn số?

Vào ngày 19/8, Grinling International Limited đã mua thêm 520 ngàn cổ phiếu SAM, làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhóm quỹ thuộc Dragon Capital tại Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển SACOM lên 5,52% và chính thức trở thành cổ đông lớn tại SAM. Tiếp đó nhóm quỹ gồm Griling International Limited và Veil Holdings Limited tiếp tục nâng sở hữu từ 5,57% lên 6,05% vào ngày 22/8.

Không dừng ở đó, 2 quỹ này tiếp tục mua vào cổ phiếu SAM vào các ngày 23/9, 26/9 và 30/9, nâng tỷ lệ sở hữu của nhóm đầu tư liên quan đến Dragon Capital gồm 3 quỹ là Grinling International Limited, Veil Holdings Limited và Vietnam Enterprise Investments Limited lên 9,23%.

Khác với 2 Doanh nghiệp kể trên, tình hình kinh doanh của SAM có vẻ không được khả quan. Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu 1.144 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 32 tỷ đồng, giảm 60%. EPS tương ứng đạt 253 đồng.

Nguồn DVO


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới