Hủy
Kinh Doanh

Khác lạ MUJI

Lê Phan Thứ Tư | 10/05/2023 13:00

Từ 80 nhân viên ở thời điểm mới bắt đầu vào Việt Nam, MUJI Việt Nam hiện có hơn 300 nhân viên. Ảnh: Minh Nguyễn.

Đến Việt Nam sau 3 năm, nhà bán lẻ lớn thứ 3 Nhật MUJI gần như khước từ mọi hoạt động quảng bá trên các phương tiện truyền thông.
 

Trong bối cảnh tiếp thị hiện đại, để tạo nên sự khác biệt, các công ty không chỉ tập trung vào chất lượng sản phẩm mà còn đặc biệt lưu tâm đến việc xây dựng thương hiệu. MUJI hoàn toàn đi ngược lại xu hướng này. Mọi thứ liên quan đến thương hiệu, từ logo, bao bì, cách thiết kế cửa hàng cho đến cách quảng bá sản phẩm, Công ty đều thực hiện theo tinh thần “less is more” (càng đơn giản càng tốt). Ngay cả chi phí cho hoạt động tiếp thị, quảng cáo hay khuyến mại, MUJI cũng chi rất ít.

3 công thức giá rẻ

 

MUJI là thương hiệu bán lẻ ra đời năm 1980 với các sản phẩm chất lượng, không nhãn dán trong một chuỗi siêu thị tại Nhật với 9 sản phẩm gia dụng, 31 mặt hàng thực phẩm xuất hiện tại 31 quốc gia trên thế giới, hơn 1.000 cửa hàng với hơn 7.000 sản phẩm ở 3 dòng hàng chính, gồm thực phẩm, sản phẩm gia dụng - nội thất và quần áo. 

Thành công của thương hiệu bán lẻ được định giá gần 6 tỉ USD đến từ 3 yếu tố gồm chất lượng sản phẩm, cá nhân hóa dựa trên tính phổ quát của sản phẩm và trung thành với triết lý “sống đơn giản, đủ đầy”. Ngay tại các buổi lễ khai trương cửa hàng mới, mọi nghi thức cũng đều được tiết chế tối đa. “Phương châm của chúng tôi là hướng đến phong cách sống giản đơn và dễ chịu”, ông Tetsuya Nagaiwa, Tổng Giám đốc MUJI Việt Nam, cho biết.

Tại Nhật, trong bối cảnh lạm phát gia tăng, MUJI cũng mở cửa hàng bán sản phẩm giá dưới 4 USD để thu hút người tiêu dùng Nhật. Chiến lược này khá thành công, giúp các cửa hàng của Hãng cạnh tranh trực tiếp hơn với các hiệu thuốc và cửa hàng 100 yen, vốn phát triển mạnh trong nhiều thập kỷ giảm phát ở Nhật.

Để duy trì lợi nhuận khi cung cấp hàng hóa chất lượng với giá cả phù hợp, MUJI tuân thủ nghiêm ngặt 3 nguyên tắc trong quá trình sản xuất. Đầu tiên là lựa chọn nguyên vật liệu. Công ty tìm kiếm nguyên liệu thô chất lượng trên toàn cầu, ngay cả nguyên vật liệu thường bị các công ty sản xuất khác loại bỏ, chỉ cần không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, MUJI sẽ thu mua. Thứ 2 là tối ưu hóa quy trình. Sản phẩm của MUJI tối giản mà vẫn mang đến sự tiện nghi, thoải mái cho người dùng. Do vậy, các chi tiết, đường nét không cần thiết đều được lược giản trong quá trình thiết kế, sản xuất. Việc này cũng giúp quá trình sản xuất nhanh và tiết kiệm hơn. Với sản phẩm lỗi, chúng được chuyển qua sản phẩm giảm giá để hạn chế lãng phí. Thứ 3 là đơn giản hóa việc đóng gói. Công ty tiết chế nhất việc sử dụng bao bì nhằm làm nổi bật vẻ đẹp tự nhiên của sản phẩm. Ở dòng sản phẩm làm đẹp, sản phẩm phòng tắm, MUJI là thương hiệu tiên phong giảm thiểu tác động ra môi trường và đẩy mạnh quy trình tái chế cách đây vài chục năm.

Chiến lược Made in Vietnam

Việc tối ưu hóa quy trình sản xuất được MUJI Việt Nam biến hóa vô cùng linh hoạt. Thương hiệu này tích cực hợp tác với các nhà sản xuất Việt Nam nhằm giảm chi phí vận chuyển, hạ giá thành sản phẩm. Điển hình, mới đây MUJI tung ra bộ sưu tập nội thất làm từ gỗ cao su do Công ty hợp tác với các nhà sản xuất gỗ tại Đồng Nai. Giá thành sản phẩm giảm khoảng 40-50%. Ngoài thị trường Việt Nam, các sản phẩm này còn được bán tại một số thị trường Đông Nam Á như Singapore, Malaysia vì “có sự tương đồng về khí hậu”.

Hiện các sản phẩm MUJI sản xuất tại Việt Nam chiếm khoảng 30% trong tổng số các sản phẩm kinh doanh của hãng này. Riêng nhóm hàng áo thun nam và nữ, các sản phẩm Made in Vietnam chiếm từ 96-97%. Nhóm hàng ba lô, túi đeo vai là 98%. “Tiêu chí chọn lựa hợp tác của chúng tôi là nguồn nguyên vật liệu tự nhiên được tận dụng tối đa, hạn chế giảm thiểu tác hại đến môi trường. Chẳng hạn, cây cao su sau khi khai thác hết nhựa, thay vì chặt bỏ đi, hoặc làm dăm gỗ, chúng tôi sẽ sản xuất đồ nội thất từ chúng”, đại diện MUJI Việt Nam chia sẻ. “Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ giới thiệu thêm các sản phẩm mới dành riêng cho thị trường Việt Nam”, ông Nagaiwa nói thêm.

 

Trong bối cảnh lạm phát, các chuỗi bán lẻ giảm sức mua, nhiều trung tâm thương mại ế khách, MUJI Việt Nam vẫn kinh doanh khả quan nhờ 3 yếu tố, theo ông Nagaiwa. Thứ nhất, sản phẩm hướng đến phân khúc khách hàng thu nhập tốt, không bị tác động nhiều bởi tình hình chung. Thứ 2 là nắm bắt xu hướng tốt. Cuối cùng và quan trọng nhất là hướng đến thị phần ít người khai thác.

Từ chối tiết lộ doanh thu tại thị trường Việt Nam, song ông Nagaiwa khẳng định, doanh thu của các cửa hàng MUJI Việt Nam tăng trưởng tích cực, không chỉ tập trung vào nhóm khách hàng trẻ với các ngành hàng văn phòng phẩm, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Từ 80 nhân viên ở thời điểm mới bắt đầu vào Việt Nam, MUJI Việt Nam hiện có hơn 300 nhân viên. Thương hiệu này cũng đang tích cực tìm kiếm mặt bằng thích hợp để mở cửa hàng mới. Cần nói thêm, việc ít chi cho hoạt động quảng bá được MUJI bù đắp bằng việc đầu tư vào vị trí cửa hàng đắc địa. Điều đặc biệt là so với các thị trường lân cận như Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, các cửa hàng MUJI Việt Nam có diện tích bán lẻ trung bình lớn nhất, khoảng 2.000 m2. Ông Nagaiwa cho biết con số này gần gấp đôi mức trung bình của các cửa hàng toàn cầu, kể cả tại Nhật.

Năm 2019, khi mới đặt chân đến Việt Nam, thương hiệu này từng đặt mục tiêu mở từ 8-10 cửa hàng tại đây. Ông Nagaiwa tin rằng 2023 sẽ là năm bùng nổ của MUJI Việt Nam với số cửa hàng mở mới dự kiến khoảng 2-3. “Công ty đang cân nhắc mở thêm các cửa hàng nằm ngoài trung tâm thương mại. Chúng tôi muốn tìm một vị trí đắc địa, bên cạnh các siêu thị hoặc đại siêu thị. Chúng tôi muốn người tiêu dùng Việt nghĩ tới MUJI là một trong những lựa chọn đầu tiên khi nhắc đến các sản phẩm cần thiết cho cuộc sống thường ngày”, ông Nagaiwa nói.

Sự mạnh tay đầu tư của MUJI nói riêng và các nhà bán lẻ Nhật nói chung vào Việt Nam là điều dễ hiểu khi thị trường bán lẻ được dự báo sẽ đạt 350 tỉ USD vào năm 2025, tăng từ mức 142 tỉ USD hiện nay (theo Bộ Công Thương). Trong bối cảnh này, để có thể trụ vững tại Việt Nam, ông Nagaiwa cho biết thách thức lớn nhất với MUJI chính là “không chỉ cung cấp các sản phẩm chất lượng quốc tế mà còn phải quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu và lối sống của người tiêu dùng địa phương để có những sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam”.

Có thể bạn quan tâm:

Ngân hàng “nhẹ gánh” nợ xấu


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới