Hủy
Kinh Doanh

Thành lập Ban chỉ đạo thương mại ngành Nông nghiệp

Thứ Ba | 31/03/2015 09:14

Ban chỉ đạo sẽ điều tiết hoạt động thương mại ngành nông nghiệp thông suốt hơn nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm thủy sản.
 

“Xuất khẩu nông sản là vấn đề sống còn đối với ngành nông nghiệp. Việt Nam đang sản xuất nông sản nhiều hơn so với nhu cầu trong nước, nên muốn duy trì tăng trưởng nông nghiệp không còn cách nào hơn là phải thúc đẩy xuất khẩu”. Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát tại cuộc họp “Bàn giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm thủy sản” diễn ra chiều 30/3 tại Hà Nội.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, mặc dù ngành nông nghiệp đưa ra dự báo năm 2015 kim ngạch xuất khẩu cả ngành tiếp tục tăng trưởng so với năm ngoái, dự kiến đạt 32 tỷ USD, nhưng thực tế, trong quý I năm nay, xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn, giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 6,13 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hạ giá thành sản phẩm xuất khẩu nâng cao tính cạnh tranh. (Ảnh minh họa: KT) 

Việc hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại sắp được ký kết như: TPP, Liên minh Hải quan, FTA Việt Nam - Hàn Quốc khiến nông sản của Việt Nam đứng trước nguy cơ bị cạnh tranh gay gắt bởi sản phẩm xuất khẩu của nước khác...

Tại cuộc họp, đại diện doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng nông sản cho rằng, để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Nhà nước cần có chính sách điều chỉnh tỷ giá, tháo gỡ cho doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều ngoại tệ tại thị trường xuất khẩu đang trượt  giá như hiện nay.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) đề xuất, những năm qua, ngành nông nghiệp luôn đặt mục tiêu giá xuất khẩu nông sản cao hơn nhưng thực tế khó đặt được bởi thị trường thế giới ngày càng bão hòa. Đã đến lúc cần nghiên cứu giải pháp giảm giá thành sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh nông sản của Việt Nam…

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nêu rõ: Tháo gỡ thị trường là giải pháp cấp bách đối với nông nghiệp. Bộ tiếp thu và giao trách nhiệm cho các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ tổng hợp ý kiến các Hiệp hội, doanh nghiệp về thực trạng những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trước ngày 15/4 để Bộ trưởng báo cáo với Chính phủ từ đó có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật, Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản sắp xếp làm với doanh nghiệp để biến chủ trương rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu. Để hoạt động thương mại ngành nông nghiệp thông suốt hơn, thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ thành lập Ban chỉ đạo thương mại trực thuộc Bộ./. 

Nguồn VOV


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới