Hủy
Kinh Doanh

Thị trường tiêu dùng đón Tết "khác thường"

Đại Việt Thứ Tư | 05/01/2022 14:00

Quà biếu Tết 2022 cũng chứng kiến sự thay đổi rõ rệt trong quan điểm tiêu dùng của thị trường Việt Nam. Ảnh: Đại Việt.

Lo âu do biến động và giãn cách xã hội ảnh hưởng đến xu hướng tiêu dùng trong dịp Tết.
 

Các doanh nghiệp sản xuất và phân phối hàng hóa đã bắt đầu chạy nước rút cho thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Tuy nhiên, chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cơ cấu hàng hóa có nhiều thay đổi đáng kể so với những năm trước.

Hàng thiết thực lên ngôi

Ông Bùi Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO kiêm Tổng Giám đốc Công ty Dầu thực vật Tường An, cho biết 2021 là một năm đáng nhớ bởi tác động của đại dịch COVID-19 và tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội, kinh tế. Giá cả thế giới biến động dẫn tới Việt Nam cũng chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng gây khó khăn trong chi tiêu.

“Quà Tết 2022 có lẽ không còn nhiều món quà hào nhoáng mà sẽ là những món quà mang tính thiết thực, thể hiện sự quan tâm và tấm lòng của người tặng. Dầu ăn là một trong những sản phẩm thiết yếu được sử dụng hằng ngày. Vì vậy, chúng tôi đã mạnh dạn lên kế hoạch sản xuất sản lượng lớn dầu ăn vừa làm quà tặng, vừa làm nguyên liệu chế biến quen thuộc cho gia đình trong dịp Tết 2022”, ông Tùng nói.

 

Theo ông Tùng, doanh nghiệp này đã chuẩn bị triển khai kế hoạch sản xuất từ đầu tháng 10/2021 để cung ứng đủ nguồn hàng cho các khối doanh nghiệp cùng 450.000 điểm bán của Tường An trên toàn quốc. Dự kiến sản lượng dầu ăn được tung ra mùa Tết năm nay sẽ tăng 30% so với cùng kỳ.

Cũng theo ông Tùng, dưới tác động của đại dịch, người Việt đã trải qua 2 năm với hàng loạt xáo trộn, kéo theo đó là những thay đổi lớn trong hành vi tiêu dùng. Tết 2022 đang cận kề và được dự đoán là một cái Tết khác thường bởi người tiêu dùng đã trải qua một năm biến động về cả túi tiền lẫn thói quen sinh hoạt thường ngày.

Đồng quan điểm với ông Tùng, ông Nguyễn Thanh Cao, Giám đốc Marketing và eCommerce Sài Gòn Food, chia sẻ năm 2021 qua đi với bức tranh đời sống kinh tế - xã hội ảm đạm vì dịch bệnh. Những cụm từ được nhắc tới nhiều nhất trong năm là khủng hoảng, sức khỏe và nhu yếu phẩm. Trong những ngày dài lo âu do biến động và giãn cách xã hội, hầu hết mọi người không còn nghĩ đến chuyện ăn ngon mặc đẹp mà chỉ mong sao được đủ ăn đủ mặc.

Đứng trước sự thay đổi nhu cầu thị trường và mối quan tâm của người tiêu dùng, doanh nghiệp này đã điều chỉnh mục tiêu chiến lược, đặc biệt là chiến lược nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới hướng đến bữa ăn thiết yếu của người Việt với những món thân quen như cơm canh, bún phở và mì hủ tiếu. 

Cũng theo ông Cao, hơn 2.000 lao động của doanh nghiệp này tại 5 nhà máy đang hoạt động hết công suất để cung cấp hàng ngàn tấn thành phẩm cung ứng cho thị trường Tết Nhâm Dần. Trước thềm năm mới 2022, dù tình hình kinh tế chưa thật sự khởi sắc nhưng Sài Gòn Food vẫn đặt mục tiêu doanh số 3.000 tỉ đồng, tăng 20% so với năm 2021.

Bình ổn giá cuối năm

Theo Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), nhằm thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường trong giai đoạn cao điểm cuối năm, đơn vị này đã dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu với tổng giá trị lên đến gần 6.000 tỉ đồng, tăng gần 20% so với năm trước. Công tác này nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau Tết.

Để chuẩn bị cho mùa mua sắm Tết, Saigon Co.op đã phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu lên từ 2-3 lần. Trong đó, phần lớn ngân sách ưu tiên đầu tư cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường như gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết. 

 

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám Đốc Khối vận hành Co.opmart, cho biết, nhằm đồng hành cùng khó khăn của người tiêu dùng sau dịch, toàn hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op sẽ cố gắng giữ và giảm giá trong giai đoạn cuối năm.

“Chúng tôi sẽ thực hiện chuỗi chương trình giảm giá trực tiếp đến 50% cho hàng ngàn sản phẩm Tết và 10 ngày cận Tết. Ngoài ra, những ngày cận Tết, Saigon Co.op sẽ tăng cường nhóm hàng thực phẩm tươi sống, các món chế biến sẵn để gia tăng tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng”, ông Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã bắt đầu khởi động giai đoạn kinh doanh cao điểm Tết và tổ chức giảm giá khuyến mãi 8 tuần liên tục đối với các ngành hàng đồ dùng, may mặc, hóa phẩm, thực phẩm công nghệ... Cơ cấu hàng hóa trong dịp Tết năm nay được chọn lọc phù hợp theo hướng thiết thực, tiết kiệm nhất.

Đại diện WinCommerce (chủ sở hữu hệ thống VinMart và VinMart+), chia sẻ đơn vị này cũng sẽ tăng lượng hàng hóa lên 40-50% để phục vụ thị trường Tết. WinCommerce dự báo sức mua Tết Nhâm Dần sẽ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người giảm thu nhập, tỉ lệ thất nghiệp cao khiến khách hàng thắt chặt chi tiêu. Người dân có xu hướng chỉ tập trung chủ yếu vào các mặt hàng cơ bản như hàng tươi sống, thực phẩm thiết yếu và một số mặt hàng có tính thời vụ như bánh kẹo, bia, nước giải khát, rượu... phục vụ cho việc đón Tết.

Theo báo cáo của Kantar Worldpanel, chi tiêu hàng tiêu dùng nhanh tại nhà của Việt Nam tăng trưởng tốt trong dịp Tết 2021 với mức chi tiêu gấp 2-3 lần so với ngày thường. Ảnh: Đại Việt.
Theo báo cáo của Kantar Worldpanel, chi tiêu hàng tiêu dùng nhanh tại nhà của Việt Nam tăng trưởng tốt trong dịp Tết 2021 với mức chi tiêu gấp 2-3 lần so với ngày thường. Ảnh: Đại Việt.

 “Chúng tôi đã làm việc với các nhà cung ứng lớn ngay từ thời điểm tháng 9 và tháng 10, chốt sản lượng cho tất cả các mặt hàng chủ lực. Lượng hàng hóa hệ thống VinMart và VinMart+ chuẩn bị cho giai đoạn Tết tăng 40-50% so với lượng bán bình quân. Chúng tôi cũng tung ra thị trường những giỏ quà Tết giá bình dân để mọi người dễ dàng lựa chọn”, đại diện WinCommerce cho hay.

Cũng theo đại diện của WinCommerce, đơn vị này đã thương thảo với tất cả các nhà cung cấp nhằm đưa hàng hóa có giá ổn định trong những thời điểm nhu cầu mua sắm tăng cao.

Theo báo cáo của Kantar Worldpanel, chi tiêu hàng tiêu dùng nhanh tại nhà của Việt Nam tăng trưởng tốt trong dịp Tết 2021 với mức chi tiêu gấp 2-3 lần so với ngày thường. Trong đó, khu vực thành thị có xu hướng mua sắm Tết sớm hơn với mức tăng trưởng 3% và khu vực nông thôn tăng 6% so với Tết 2020. Giá trị quà biếu đóng góp phần lớn cho sự tăng trưởng ở khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, quà biếu Tết 2022 cũng chứng kiến sự thay đổi rõ rệt trong quan điểm tiêu dùng của thị trường Việt Nam: Ưu tiên những món quà Tết thiết thực, có giá trị sử dụng cao, thiên hướng chăm sóc sức khỏe. Các món quà được ưu tiên lựa chọn nhất cho Tết 2022 cũng là những mặt hàng mà các nhà bán lẻ cần chuẩn bị sẵn sàng bao gồm: bánh quy, mứt kẹo, giỏ quà, quần áo, giày, trang sức...

Những rào cản giãn cách cũng như tâm lý lo ngại dịch bệnh khiến mua sắm trực tuyến cũng là một xu hướng mới trong dịp Tết này. Deloitte dự đoán, doanh số thương mại điện tử trong kỳ nghỉ lễ 2021-2022 sẽ tăng 11-15% so với cùng kỳ năm trước. 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới