Hủy
Tài Chính

Cổ phiếu BID vào sóng “muộn”

Nhật Lệ Thứ Năm | 20/01/2022 17:29

Cổ phiếu BID tăng trần trong ở phiên 20/1. Ảnh chụp màn hình.

Cổ phiếu BID gần như diễn biến xập xình trong cả năm 2021 đến mãi tháng 9/2021, cổ phiếu này mới “vào sóng” và bứt phá mạnh mẽ.
 

Có thể nói, 2021 tiếp tục là năm thành công của thị trường chứng khoán Việt Nam với những kỷ lục liên tục được thiết lập. Đúng như kỳ vọng của giới đầu tư, năm này đã “viết lại lịch sử” của thị trường chứng khoán trong hơn 21 năm qua. Vùng giá 1.200 điểm đã không còn là “thánh địa” khi dưới sự dẫn dắt của dòng tiền nội, chỉ số VN-Index đã liên tục chinh phục những vùng giá mới, 1.300 điểm, 1.400 điểm và thậm chí chạm mốc 1.500 điểm vào tháng 11/2021. 

Không chỉ vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam còn chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của nhà đầu tư mới với hơn 1,3 triệu tài khoản được mở mới trong 11 tháng năm 2021. Kèm theo đó là sự bùng nổ về dòng tiền trên thị trường khi giá trị giao dịch mỗi phiên đã chạm mốc tỉ USD, thậm chí có nhiều phiên giá trị giao dịch lên tới hơn 2 tỉ USD, tương đương hơn khoảng 40.000-50.000 tỉ đồng mỗi phiên.

Bức tranh sáng và tối của cổ phiếu ngân hàng. Nguồn: NCĐT.
Bức tranh sáng và tối của cổ phiếu ngân hàng. Nguồn: NCĐT.

Theo dữ liệu từ Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), sàn HOSE hiện có 17 ngân hàng được niêm yết và giao dịch, trong đó có 2 cổ phiếu mới chào sàn hồi cuối tháng 1/2021 (OCB của Ngân hàng Phương Đông) và tháng 3/2021 (SSB của Ngân hàng Đông Nam Á).

Theo thống kê của NCĐT, 6 tháng đầu năm 2021, 15 cổ phiếu ngân hàng trên sàn HOSE đều đạt được mức tăng giá ấn tượng, bình quân hơn 67,5%. Trong đó, ngoại trừ cổ phiếu BID của Ngân hàng BIDV và VCB của Ngân hàng Vietcombank khi có diễn biến giá thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung.

 

Đến nửa cuối năm 2021, khi các cổ phiếu ngân hàng khác trên đà giảm trước những nỗi lo nợ xấu và lo ngại kết quả kinh doanh quý II/2021 đã “đạt đỉnh” thì cổ phiếu BID lại có cú lội ngược dòng ngoạn mục. 

BID gần như diễn biến xập xình trong cả năm khi thị trường chung dậy sóng, đến mãi tháng 9/2021, cổ phiếu này mới “vào sóng” và bứt phá mạnh mẽ. Phiên giao dịch 20/1/2022, BID đóng cửa ở mức giá trần 46.700 đồng/cổ phiếu. Từ tháng 9/2021 đến hết phiên 20/1/2022 cổ phiếu BID đã tăng hơn 52%. Trong khoảng thời gian này, cổ phiếu ngân hàng nói riêng và thị trường nói chung không có nhiều diễn biến tích cực đáng chú ý.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), BIDV là ngân hàng đầu ngành về quy mô và thị phần, với nguồn lực tốt và đang trong giai đoạn cuối của quá trình tích cực tái cơ cấu để làm lành mạnh chất lượng tài sản và lợi nhuận của ngân hàng được kỳ vọng tăng lên ở giai đoạn sắp tới. BIDV đã tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC và dự kiến hoàn thành trích lập xử lý toàn bộ nợ xấu thuộc Đề án tái cơ cấu trong năm 2021. Do đã trích lập phần lớn nợ xấu tồn đọng, áp lực trích lập dự phòng từ năm 2021 trở đi sẽ giảm bớt đáng kể giúp lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ. VCBS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của BIDV ở mức tích cực khi tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt và trọng tâm dần chuyển dịch sang phân khúc bán lẻ. 

Có thể bạn quan tâm 

Vùng sáng, vùng tối cổ phiếu ngân hàng 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới